Nuôi hàng chục nghìn con chim nhỏ, 9X Đà Nẵng thu gần nửa tỉ mỗi năm
Tốt nghiệp ĐH Kiến trúc Đà Nẵng nhưng không tìm được việc làm nên anh Nguyễn Thành Trung (sinh năm 1992, xã Hoà Phước, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng) chọn làm nghề lái xe thuê.
Tuy nhiên công việc lái xe vất vả, đi sớm, về muộn, không có ngày nghỉ nên anh muốn chuyển nghề, tìm một công việc khác. Tình cờ biết đến mô hình nuôi chim cút của một người bạn, qua tìm hiểu thấy mô hình này khá thú vị, mang lại hiệu quả kinh tế nên năm 2017, anh Trung quyết định nghỉ việc theo bạn để học nghề nuôi chim cút lấy trứng.
Thời điểm đó, anh gom góp, vay mượn được gần 200 triệu đồng để bắt đầu khởi nghiệp. Anh Trung xây dựng chuồng trại với quy mô khiêm tốn khoảng 80m2 và nhập 5.000 con giống về nuôi.
Làm ăn hiệu quả, anh Trung tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích chuồng trại, con giống. Số lượng chim cút đến thời điểm này khoảng 14.000 con. Hiện trung bình mỗi ngày trang trại của anh bán ra 12.000-13.000 quả trứng và được các thương lái đến tận nơi để thu mua.
Anh Trung chia sẻ, do chưa có kinh nghiệm nên những lứa chim cút đầu tiên cho năng suất thấp, cút đẻ ít, thậm chí bị chết. Tuy nhiên, qua những lần thất bại anh đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc chim cút.
Để chim cút sinh trưởng và phát triển tốt thì nhiệt độ phải phù hợp. Nếu nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh chim sẽ đẻ ít trứng. Bên cạnh đó, chuồng trại phải sạch sẽ, thoáng mát, thức ăn, nước uống phải đảm bảo đầy đủ.
Đặc biệt là phải theo dõi, tăng sức đề kháng cho chim: “Không giống như chăn nuôi gia súc, gia cầm, chim cút không có thuốc đặc trị vì vậy việc phòng bệnh cho chim rất quan trọng. Tôi thường bổ sung vitamin C, men vi sinh cho chim để tăng đề kháng. Mỗi lần cho ăn tôi sẽ chú ý quan sát chim có biểu hiện ốm, mệt, bỏ ăn hay không để có biện pháp cách li kịp thời, tránh lây lan cả đàn”, anh Trung nói.
Theo anh Trung, cút giống khi mua về nuôi thêm khoảng 15-20 ngày nữa (khoảng 40 ngày tuổi) thì bắt đầu đẻ trứng. Từ 2-4 tháng tuổi là thời điểm chim cút đẻ đại trà, cho năng suất cao. Tuy nhiên lực đẻ như thế nào còn tuỳ thuộc vào quy trình, kỹ thuật chăm sóc của người nuôi. Chu kỳ đẻ trứng của chim cút khoảng từ 10 tháng đến 1 năm. Khi thấy thấy tỷ lệ đẻ giảm, anh sẽ bắt đầu lại nhập con giống mới để thay đàn.
Nuôi chim cút chi phí đầu tư không quá cao, không mất quá nhiều công sức. Với đàn chim cút hơn 14.000 con nhưng anh đều tự tay chăm sóc, cho ăn. Ngoài ra, anh có thuê 2 nhân công để vệ sinh chuồng trại 2 ngày/lần.
Mô hình nuôi chim cút đẻ trứng của anh Nguyễn Thành Trung đã mang lại nguồn thu đáng kể. “Nhờ nuôi chim cút mà có những những năm tôi thu về gần 500 triệu đồng. Vài năm gần đây do giá chi phí con giống, thức ăn tăng cao, trong khi giá trứng không tăng nên lợi nhuận giảm, còn khoảng 300 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, so với thu nhập từ công việc lái xe trước đây thì quyết định bỏ nghề để nuôi chim cút là một quyết định đúng đắn”, anh Trung tâm sự.
Diệu Thuỳ