Chàng kỹ sư bỏ phố về quê kiên trì lập nghiệp và cái kết bất ngờ
Người trẻ rời bỏ công việc làm thuê, rời phố về quê khởi nghiệp ngày càng nhiều. Để có được thành công trước hết phải dám nghĩ, dám làm, vượt qua mọi gian khó. Mỗi người có một lựa chọn, một hướng đi và bí quyết khởi nghiệp gặt ‘trái ngọt’ trên mảnh đất quê hương của họ là gì? Infonet xin giới thiệu hành trình bỏ phố về quê khởi nghiệp của những bạn trẻ.
Liên tục khởi nghiệp nhưng đều thất bại
Năm 2017, tốt nghiệp Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, chàng trai trẻ quê Quảng Nam Ngô Tấn Quyền (sinh năm 1994) trở thành kỹ sư làm việc cho một hãng cơ khí lớn với thu nhập ổn định.
Thế nhưng chỉ sau 1 năm, Quyền lại quyết định nghỉ việc để bắt đầu bước ra khỏi vùng an toàn của mình để tự tìm lối đi riêng cho mình.
Tìm hiểu trên mạng, Quyền rất ấn tượng với mô hình trồng rau sạch thủy canh trên sân thượng. Cảm thấy mô hình có tiềm năng, Quyền đã quyết định làm dù không có kiến thức về nông nghiệp nhưng vừa học vừa làm.
Tháng 8/2018 về quê khởi nghiệp, những hợp đồng đầu tiên nhận được giúp cho Quyền có khí thế để thuê thêm 1-2 người phụ làm. Thấy mô hình có triển vọng ở Đà Nẵng nên Quyền đã thuê mặt bằng để làm mô hình giúp khách có thể tham khảo trực tiếp và quyết định làm.
Song, vừa thuê mặt bằng triển khai thì gặp khó khăn do mưa kéo dài, không thi công được. Việc trang trải chi phí thuê mặt bằng, trả nhân công hàng tháng khiến Quyền không đủ ‘sức’ nên đành vay mượn để duy trì. Nhưng cả mùa mưa không nhận được đơn hàng nào, chàng trai trẻ lại xoay sang nhận thiết kế trang trại trồng rau sạch do có sẵn chuyên môn về cơ khí.
Hướng đi này cũng không tồn tại được lâu khi mỗi năm cũng chỉ nhận được vài công trình, làm xong lãi được vài đồng thì khách lại nợ tiền. Quyền trả mặt bằng thuê ở Đà Nẵng và ‘ôm’ khoản nợ hơn 100 triệu đồng.
Rồi Quyền lại xoay sang bán dược liệu, làm bộ hộp gỗ xông trầm hương… nhưng đều phải dừng lại do chưa lường hết những nguy cơ có thể xảy ra.
Khởi nghiệp thành công với loại cây đặc trưng ở quê nhà
Tưởng chừng như cánh cửa khởi nghiệp khép lại, bất ngờ một lần có khách hàng đặt gia công bộ đốt nhang không tăm trầm hương. Nghe thấy trầm hương, Quyền mới sực nhớ quê mình có rất nhiều trầm hương (dó bầu).
Quyền rủ bạn làm cùng, chạy xe lên Tiên Phước cách nhà vài chục cây số, đến từng nơi sản xuất trầm hương để biết giá thành. Nhưng lúc đó trong túi chỉ có vài triệu đồng, trong khi giá trầm hương cao trên trời, toàn hàng chục triệu đồng mỗi cân.
Quyền quyết đinh làm cho xong hộp xông trầm hương, còn nhang trầm hương phải kiếm được nguồn để sản xuất; vừa bán được hộp và nhang không tăm luôn.
Vô tình được bạn bè giới thiệu, Quyền gặp được anh Lê Minh Quốc là một người chuyên buôn bán trầm tự nhiên. Quyền được anh Quốc chia sẻ về cây dó bầu và trầm hương. Vì sao lại có loại vài triệu, có loại vài chục triệu đồng. Nghe cách anh chia sẻ chân thành, cảm giác tin tưởng được nên Quyền muốn hợp tác.
Quyền ngỏ ý đề nghị lấy hàng bán, khi thu hồi vốn sẽ trả tiền sau không ngờ anh Quốc đồng ý. Cuối năm 2020, đầu năm 2021 gần Tết, Quyền lấy thử nhang nụ của anh Quốc về bán thử và được khách hàng khen đánh giá tốt và khách cũ lại quay lại lấy thêm về dùng. Quyền chia sẻ các bài viết giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội, bất ngờ có ngày bán được tới 60-70 triệu đồng.
Với khát vọng mang trầm hương quê mình vươn tới khắp mọi miền đất nước, Quyền cùng anh Quốc bắt tay đầu tư xây dựng thương hiệu trầm hương tự nhiên của riêng mình.
Khi ấy, Quyền đã có chút vốn nhưng chưa trả nợ số tiền trước đây vay khởi nghiệp mà đi vay thêm 50 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp về góp cùng anh Quốc đầu tư mua sắm thêm máy móc.
Đầu năm 2022, nhà xưởng và văn phòng cũng đã xây dựng xong trên diện tích đất rộng khoảng 100m2 ngay tại quê nhà xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ (Quảng Nam). Tính đến nay, mỗi người góp vốn khoảng 300 triệu đồng.
Hiện ở xưởng sản xuất của Quyền có 7 công nhân làm sản phẩm từ cây dó bầu như nhang nụ, nhang cây, nhang không tăm, bột trầm và gia công các loại vòng đeo tay. Sản phẩm trầm hương Quốc Quyền ngày càng được nhiều người biết đến, đặt mua.
Nhờ đó, trầm hương Quốc Quyền hiện có 4 mối sỉ lấy hàng năng suất cao, nhiều cộng tác viên bán hàng và khoảng 250-300 đơn hàng mỗi tháng phục vụ khách hàng lẻ ở khắp mọi nơi.
Quyền chia sẻ, doanh thu hiện tại đạt khoảng 400 triệu đồng/tháng từ bán sỉ và bán lẻ. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về đạt khoảng 30% doanh thu. Đến nay, Quyền đã trả hết nợ và bắt đầu có chút tích lũy cho bản thân.
Thường xuyên phân tích, chia sẻ cách nhận biết về trầm hương tự nhiên giúp Quyền có thêm nhiều khách hàng mới.
Về quê khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng cùng khoản nợ, có được chút thành quả như ngày hôm nay, Quyền nhớ lại đã từng trải qua những giây phút hỗn loạn, không biết đi đâu về đâu khi tiền thì không có, khởi nghiệp ban đầu thất bại. Cảm giác chông chênh như ở bờ vực.
Qua hành trình khởi nghiệp của mình, Quyền chia sẻ với các bạn trẻ đã dám nghĩ thì dám làm, đừng đưa ra dự định mà không làm. Đặc biệt, làm bất cứ thứ gì cũng cần kiên định, khi thất bại không được chán nản.
Bỏ phố về quê khởi nghiệp từ chính cây đặc trưng ở quê hương, đem lại công ăn việc làm cho bản thân và anh em, bạn bè, xóm giềng, Quyền cảm thấy hạnh phúc vô cùng!.
Minh Thư