Người trẻ nhiễm HIV tăng nhanh, 50% số ca nhiễm HIV mới ở nhóm dưới 29 tuổi
Sự kiện do Bộ Y tế, Tỉnh Bắc Ninh và Trung ương Đoàn TNCSHCM phối hợp tổ chức vào sáng 26/11 tại Bắc Ninh.
Tính đến tháng 10/2022, trên cả nước có 220.580 người nhiễm HIV hiện đang còn sống và 112.368 người nhiễm HIV đã tử vong. Từ năm 2020 đến nay, dịch HIV đã có xu hướng gia tăng.
Nếu như giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2019 mỗi năm phát hiện được hơn 10.000 trường hợp nhiễm HIV thì 2 năm qua, mặc dù dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc xét nghiệm HIV nhưng mỗi năm Việt Nam có hơn 13.000 trường hợp nhiễm HIV được báo cáo.
Một vấn đề đáng lưu ý, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, là xu hướng dịch HIV đang thay đổi từ hình thái lây nhiễm chủ yếu từ đường máu sang lây qua đường tình dục.
Người được phát hiện nhiễm HIV chủ yếu trong nhóm tuổi trẻ và nhiễm HIV trong nhóm tuổi trẻ tăng nhanh trong những năm gần đây.
“Năm 2022, có tới 50% số ca nhiễm HIV được phát hiện ở nhóm dưới 29 tuổi. Nam quan hệ tình dục đồng giới đang được báo cáo là nhóm đối tượng nhiễm HIV chủ yếu ở Việt Nam.
Nam hiện nay, có những địa phương báo cáo có 60% - 80% người nhiễm HIV được phát hiện trong năm qua là thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay.
Trong khi đó, chia sẻ thêm với phóng viên, đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết thêm theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2021, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nam và nữ 15-24 tuổi chỉ dưới 50%. Tỷ lệ có thái độ phân biệt đối xử với HIV ở nam và nữ 15-24 tuổi là gần 40%.
“Như vậy, nhóm tuổi này có kiến thức, thái độ rất hạn chế so với mục tiêu đặt ra chung của người dân Việt Nam 15-49 tuổi là 80% ở cả hai chỉ số trên.
Cùng với kiến thức về HIV/AIDS hạn chế, ở nam nhóm tuổi 15-24 có nhiều hơn 1 bạn tình (trong 12 tháng trước ngày phỏng vấn) là 14%. Đây là yếu tố quan trọng dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và mắc các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai…”, đại diện Cục phòng chống HIV/AIDS cảnh báo.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng cho rằng Chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải làm nhất là để đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
“Dịch HIV rất có thể bùng phát trở lại nếu chúng ta chủ quan thiếu quan tâm, không đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin.
Vì những lý do trên, chủ đề tháng hành động quốc gia phòng, chỗng HIV/AIDS năm 2022 được chọn là: “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng” với kỳ vọng chấm dứt đại dịch AIDS chỉ có thể thành công nếu huy động được thanh niên chủ động tham gia có hiệu quả vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trong thời gian tới.
Ông Taoufik Bakkali, Quyền Giám đốc khu vực Văn phòng Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), Châu Á – Thái Bình Dương khẳng định những thành công trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đã cung cấp nhiều bài học kinh nghiệm mà các quốc gia trong và ngoài khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể học hỏi.
Tuy vậy, quá trình chuyển đổi điều trị HIV sang nguồn bảo hiểm y tế vẫn còn một số phức tạp, đòi hỏi sự thích ứng và điều chỉnh của cả con người và hệ thống, để có thể thực hiện và duy trì bền vững được mục tiêu 95-95-95 trong xét nghiệm và điều trị HIV.
Một số vấn đề mới nổi như việc sử dụng các loại ma túy mới cũng tạo ra nguy cơ về lây nhiễm HIV và các vấn đề sức khỏe khác, cần đến sự phối hợp đa ngành và môi trường chính sách thuận lợi hơn nữa để có thể đáp ứng hiệu quả.
Những thành quả đã đạt được cần được củng cố vững chắc hơn nữa để tránh trường hợp dịch HIV tái bùng phát như chúng ta đã thấy ở một vài quốc gia trong khu vực.
N. Huyền