Khánh Hòa: Tuyên truyền can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV và phòng chống mại dâm
Ảnh minh họa |
Các nhân viên được nghe phổ biến thông tin về công tác phòng, chống mại dâm trong nước và trên địa bàn tỉnh thời gian qua; các văn bản pháp luật, quy định liên quan đến công tác phòng, chống mại dâm trong tình hình mới; kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho nhân viên nữ trong dự phòng lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Đây là hoạt động nằm trong chương trình triển khai thí điểm mô hình “Can thiệp giảm tác hại trong phòng, chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú” tại TP. Nha Trang.
Hiện nay, Khánh Hòa đang triển khai 4 mô hình phòng, chống mại dâm gồm: Trợ giúp vốn vay theo Nghị quyết số 25/2009/NQ-HĐND ngày 15/12/2009 của HĐND tỉnh Khánh Hòa; mô hình chuyển đổi giáo dục, chữa trị và hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng; mô hình can thiệp giảm hại và phòng chống lây nhiễm HIV và mô hình thí điểm “Can thiệp giảm tác hại trong phòng chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú”.
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Khánh Hòa, tình hình tệ nạn mại dâm tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể. Tình trạng người bán dâm đứng đường ở các khu vực giáp ranh giữa một số xã, phường đã giảm hẳn sau khi các lực lượng chức năng tổ chức nhiều đợt kiểm tra, truy quét.
Kết quả thống kê mới đây cho thấy, số cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện môi trường dễ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh là 2.304 cơ sở với khoảng 4.000 lao động. Các dịch vụ này tập trung chủ yếu trên địa bàn thành phố Nha Trang. Số đối tượng có nghi vấn có hành vi mại dâm khoảng từ 450 đến 500 người, đa số từ các tỉnh khác. Việc quản lý, giám sát số đối tượng này rất khó vì luôn thay đổi địa bàn hoạt động và không đủ cơ sở để xác định là người có hành vi bán dâm.
Căn cứ Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020, thời gian vừa qua, công tác phòng chống mại dâm được cơ quan chức năng và các địa phương trên toàn tỉnh chủ động triển khai thực hiện một cách đồng bộ và đạt hiệu quả.
Công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về phòng chống mại dâm được tổ chức rộng rãi tại các địa phương. Công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát được thực hiện thường xuyên. Đội 178 tỉnh đã tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh doanh có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn nhằm ngăn ngừa phòng, chống mại dâm.
Trong tình hình mới, bên cạnh công tác triệt phá và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; công tác hỗ trợ can thiệp giảm hại, hỗ trợ sinh kế chuyển đổi hành vi cho người bán dâm được chú trọng thực hiện tại địa phương. Khánh Hòa tiếp tục duy trì 3 mô hình phòng, chống mại dâm tại cộng đồng bao gồm: Trợ giúp vốn vay; mô hình chuyển đổi giáo dục, chữa trị và hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng; mô hình can thiệp giảm hại và phòng, chống lây nhiễm HIV.
Kết quả, mô hình trợ giúp vốn vay theo Nghị quyết số 25/2009/NQ-HĐND ngày 15/12/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã hỗ trợ 22 người bán dâm hoàn lương vay vốn với tổng số tiền là 406.000.000 đồng từ nguồn ngân sách địa phương. Qua khảo sát cho thấy 100% số đối tượng đã sử dụng hiệu quả vốn vay đúng mục đích để kinh doanh buôn bán nhỏ (cà phê, quán ăn), chăn nuôi, nghề thủ công…
Hiệu quả xã hội thiết thực của mô hình đã làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của chính quyền, các đoàn thể xã hội, của cộng đồng và trong nhóm đối tượng, sự kỳ thị đối với đối tượng dần được xóa bỏ.
Đối với mô hình chuyển đổi giáo dục, chữa trị và hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng, đến nay đã thành lập 4 câu lạc bộ Niềm tin tại các địa phương, đã tổ chức 4 đợt tập huấn nghiệp vụ, 9 buổi tọa đàm, 45 đợt sinh hoạt.
Qua triển khai, mô hình đã hỗ trợ kinh phí học nghề chuyển đổi công việc cho 20 người bán dâm và người có nguy cơ với số tiền 23.000.000 đồng. Hỗ trợ cho 50 người có nguy cơ cao tại các địa phương với số tiền 5.200.000 đồng. Hỗ trợ khám sức khỏe các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho 20 người trên địa bàn thí điểm với số tiền 10.000.000 đồng.
Mô hình hoạt động đã mang lại hiệu quả xã hội trong việc ngăn ngừa tái sa ngã trong nhóm người bán dâm chuyển đổi công việc hòa nhập cộng đồng, người có nguy cơ cao; là nơi sinh hoạt và chia sẻ tâm tư nguyện vọng giúp họ có thêm nghị lực, sức mạnh vươn lên trong cuộc sống.
Mô hình can thiệp giảm hại và phòng chống lây nhiễm HIV đã vận động tư vấn cho 50 người có hành vi bán dâm tham gia khám chữa bệnh lây truyền qua đường tình dục; tư vấn tâm lý, pháp lý, các chính sách pháp luật hiện hành, tư vấn hỗ trợ học nghề cho hơn 20 người có hành vi bán dâm...
Để thực hiện thí điểm mô hình “Can thiệp giảm tác hại trong phòng chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú”, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Khánh Hòa đã khảo sát tại 10 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn thành phố Nha Trang và tổ chức hội thảo đồng thuận với các ban ngành liên quan, thống nhất thành lập 1 nhóm điều phối tại 5 cơ sở kinh doanh dịch vụ tham gia mô hình. Đồng thời huy động sự tham gia cung cấp và kết nối các dịch vụ can thiệp giảm tác hại về phòng, chống mại dâm, HIV/AIDS của các đơn vị kết nối trên địa bàn thành phố.
Mô hình đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp và kết nối các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, can thiệp giảm hại cho hơn 150 lượt nữ nhân viên làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú. Tổ chức 3 cuộc tập huấn bồi dưỡng năng lực về tổ chức các hoạt động truyền thông và kỹ năng kết nối dịch vụ cho nhóm điều phối mô hình và đại diện các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú. Cấp phát hơn 500 tập tài liệu truyền thông can thiệp giảm tác hại trong phòng, chống mại dâm và bao cao su cho các cơ sở.
Bước đầu mô hình đã mang lại một số kết quả thiết thực trong công tác phòng, chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú. 100% nhân viên tại các cơ sở được chia sẻ thông tin và hướng dẫn lập kế hoạch tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa mại dâm và các tệ nạn xã hội, nâng cao nhận thức về chủ trương chính sách và các vấn đề liên quan đến phòng, chống mại dâm và lây nhiễm HIV/AIDS.