Gánh nặng đái tháo đường ở người già
Gánh nặng đái tháo đường ở người già
PGS BS TS Lê Đình Thanh – Giám đốc BV Thống Nhất, trưởng Bộ môn Lão – trường Đại học Y dược Phạm Ngọc Thạch, cho biết tỷ lệ đái tháo đương tăng theo tuổi và có tới 19% người trên 65 tuổi mắc đái tháo đường. Đái tháo đường ở người cao tuổi còn đồng mắc các bệnh tim mạch, huyết áp, bệnh thận làm cho vòng xoáy bệnh lý và tăng nặng bệnh đi kèm khiến việc điều trị khó khăn hơn.
Người cao tuổi còn phải đương đầu với nhiều biến chứng hạ đường huyết, hôn mê do đái tháo đường, di chứng do đái tháo đường, gây tàn phế cho bệnh nhân. Vì vậy, việc kiểm soát đái tháo đường ở người cao tuổi đặt ra tình trạng khẩn cấp hiện nay để làm sao người bệnh hạn chế gây biến chứng.
Theo PGS Thanh, đái tháo đường hoàn toàn có thể chẩn đoán sớm, thuốc điều trị đái tháo đường đã có nhiều tiến bộ hơn. Nếu ở giai đoạn đầu tiên người bệnh cần đường huyết lúc đói, đường huyết lúc no, đường huyết trong 24h. Ở giai đoạn 2, kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác tăng huyết áp, mỡ máu. Ở giai đoạn 3 người bệnh tiến tới kiểm soát an toàn trong tim mạch, bảo vệ thận. Ở giai đoạn 4 với sự phát triển của khoa học thì bệnh nhân đái tháo đường đã được cá thể hoá giảm thiểu biến chứng của đái tháo đường, nâng cao đời sống và chất lượng sống của bệnh nhân đái tháo đường ở người cao tuổi.
BSCK II Nguyễn Thị Mây Hồng – Trưởng khoa Nội tiết, BV Thống Nhất TP.HCM, cho biết đái tháo đường là đại dịch trên toàn thế giới. Bệnh đang là gánh nặng của hệ thống y tế.
Người bệnh bị đái tháo đường đối diện nhiều biến chứng từ cấp tính (nhiễm toàn ceton, hạ đường huyết…) tới mãn tính (tim mạch, suy thận, đột quỵ,nhồi máu cơ tim…) ảnh hưởng tới đời sống của bệnh nhân. Bệnh nhân trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội. Ở người từ 60 tuổi trở lên đái tháo đường gia tăng đáng kể. Thống kê cho thấy có khoảng 20% người trên 65 tuổi bị đái tháo đường.
Tỷ lệ tử vong liên quan tới đái tháo đường ở các nước trung bình, nghèo lên tới 87%. Người bệnh khó được can thiệp hết các biến chứng và di chứng của bệnh. Vì vâỵ, điều trị bệnh nhân đái tháo đường ngoài kiểm soát đường huyết còn phải kiểm soát bệnh đồng mắc.
Khó khăn trong điều trị
Bác sĩ Hồng cho biết, ở người trẻ kiểm soát bệnh đái tháo đường đã khó khăn, ở người cao tuổi càng khó khăn hơn. Nhiều rào cản, thách thức trong kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân lớn tuổi vì họ có nhiều bệnh lý đi kèm. Bác sĩ Hồng liệt kê các rào cản trong theo dõi, quản lý và điều trị bệnh nhân đái tháo đường lớn tuổi:
Thứ nhất, người cao tuổi họ phải sử dụng các loại thuốc khác nhau. Thậm chí, một bệnh nhân phải sử dụng nhiều nhóm thuốc nên bệnh nhân sẽ gặp phải tác dụng phụ của thuốc, tương tác thuốc nên mục tiêu điều trị khó hơn.
Thứ hai, người cao tuổi còn bị suy giảm chức năng nên khó tự theo dõi, tự uống thuốc, tự điều trị. Người bệnh còn bị sa sút trí tuệ, trầm cảm nên khó phối hợp với thầy thuốc trong quản lý bệnh.
Thứ ba, bệnh nhân đái tháo đường lớn tuổi còn bị tiểu không tự chủ, nguy cơ té ngã rất lớn.
Thứ tư, nhận biết triệu chứng hạ đường huyết ở người cao tuổi thấp hơn nhóm ít tuổi. Một khảo sát bệnh nhân từ 39 – 64 tuổi và trên 65 tuổi thì người ta thấy bệnh nhân tự cảm nhận triệu chứng thần kinh tự chủ, thần kinh trung ương thì giai đoạn tiền triệu chứng ở hai nhóm này thì nhận biết ở nhóm bệnh nhân cao tuổi thấp hơn so với nhóm trẻ tuổi. Đây là rào cản khó đạt đường huyết mục tiêu ở người lớn tuổi.
Thứ năm, người cao tuổi còn bị suy yếu hơn. Người đái tháo đường tuyp 2 lớn tuổi họ bị suy yếu chức năng hệ thống cơ, mạch máu, rối loạn thăng bằng khiến họ mất đi chức năng, vận động kém và đề kháng insulin tăng. Vì vậy, việc can thiệp bệnh nhân lớn tuổi đái tháo đường cũng khó hơn.Bác sĩ phải giáo dục bệnh nhân để họ phối hợp điều trị. Người bệnh đái tháo đường tuyp 2 còn bị suy yếu, yếu cơ có thể dẫn tới tàn phế cùng với biến chứng mạch máu nhỏ, mạch máu lớn. Suy yếu làm gia tăng yếu tố tử vong của bệnh nhân.
K.Chi