4 giải pháp mỏ đường cho khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH
![]() |
Ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam |
Khởi kiện nợ BHXH khó
Tại Điểm d, Khoản 1, Điều 14, Luật BHXH năm 2014 có quy định quyền của tổ chức công đoàn trong việc “Khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (NLĐ), tập thể NLĐ, theo quy định tại khoản 8 Điều 10 của Luật Công đoàn”. Theo đó, tổ chức công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH từ ngày 01/01/2016. Tuy nhiên, đến thời điểm này, công tác khởi kiện còn nhiều vướng mắc, do những bất cập, chồng chéo giữa các Bộ Luật.
Tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về chính sách BHXH, BHYT do BHXH Việt Nam tổ chức, chia sẻ về công tác khởi kiện DN nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định của Luật BHXH năm 2014 Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thị Thanh Hà cho biết, tính đến tháng 2/2017, các cấp công đoàn trong cả nước đã tiếp nhận trên 1.150 hồ sơ DN nợ BHXH do cơ quan BHXH chuyển sang và đã có 39 LĐLĐ tỉnh, thành phố nộp đơn khởi kiện 77 DN nợ BHXH ra Tòa án.
Tuy nhiên, trong số đó có 17 hồ sơ bị Tòa án trả lại với lý do vụ kiện thuộc tranh chấp tập thể về quyền, chưa được cấp Chủ tịch UBND huyện giải quyết hoặc chưa có giấy ủy quyền của công đoàn cơ sở. 60 hồ sơ Tòa án đã nhận nhưng chưa trả lời.
Theo ông Đào Việt Ánh – Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam mặc dù cơ quan BHXH đã chuyển hơn 1.800 hồ sơ cho tổ chức công đoàn nhưng số vụ mà tổ chức công đoàn nộp đơn khởi kiện còn rất ít (82 hồ sơ) trong đó có tới 63 hồ sơ bị Tòa án trả lại với lý do thiếu giấy ủy quyền của người lao động hoặc giấy ủy quyền của tổ chức công đoàn cơ sở. Có nơi, TAND đã thụ lý vụ án rồi lại ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự với lý do người khởi kiện không có quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 186 và Điều 187 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Ngoài ra, các doanh nghiệp thường trốn tránh, không hợp tác làm việc với các cơ quan chức năng, không ký nhận biên bản đối chiếu công nợ để làm căn cứ hoàn thiện hồ sơ khởi kiện.
Đây là những khó khăn thực tế gặp phải trong quá trình 2 bên phối hợp để thực hiện khởi kiện đơn vị nợ BHXH.
Ông Ánh cho biết những khó khăn, vướng mắc khi cơ quan BHXH không được quyền khởi kiện đơn vị nợ BHXH hay khó khăn, vướng mắc gặp phải khi tổ chức công đoàn thực hiện khởi kiện đơn vị nợ BHXH đã được BHXH Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam báo cáo kịp thời với Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền.
Cuối tháng 3 vừa qua tại cuộc họp liên ngành giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam, BHXH Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao và các bộ, ngành có liên quan, vấn đề quyền khởi kiện của cơ quan BHXH, khó khăn khi tổ chức công đoàn khởi kiện đã được thảo luận, xem xét. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành cơ bản nhất trí đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét điều chỉnh quy định pháp luật theo hướng cho phép cơ quan BHXH khởi kiện vụ án dân sự về nợ BHXH.
4 giải pháp
Căn cứ tình hình khởi kiện trong thời gian vừa qua ông Ánh đưa ra các giải pháp:
Thứ nhất: Ngoài việc để tổ chức công đoàn khởi kiện, BHXH Việt Nam cũng kiến nghị các cấp, cơ quan có thẩm quyền cho phép cơ quan BHXH (với tư cách đại diện Nhà nước quản lý sử dụng quỹ BHXH) cũng có quyền khởi kiện đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa, nhằm đảm bảo quyền lợi không chỉ cho người lao động mà còn cho lợi ích của cả xã hội...
Thứ hai: Đề nghị điều chỉnh quy định pháp luật theo hướng cho phép công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được quyền khởi kiện đơn vị nợ BHXH (hiện nay đang quy định cho công đoàn cơ sở thực hiện).
Thứ ba: Tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng của hệ thống cán bộ công đoàn đảm nhiệm công tác khởi kiện; phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH các cấp để nắm bắt thông tin, hỗ trợ thực hiện việc khởi kiện. Nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, tập thể người lao động.
Thứ tư: Đề nghị tổ chức công đoàn phối hợp với cơ quan BHXH các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các đơn vị sử dụng lao động; nâng cao ý thức tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân người lao động.