4 bệnh ung thư đầu cổ do thuốc lá
Thủ phạm thuốc lá
Theo thông tin từ Bệnh viện K trung ương các loại ung thư các bộ phận thuộc đầu và cổ bao gồm ung thư thực quản, thanh quản, lưỡi, tuyến nước bọt, môi, miệng và họng. Những nguy cơ của các bệnh ung thư này sẽ tăng dần cùng với số lượng và thời gian hút thuốc. Hút thuốc lá và nghiện rượu là hai yếu tố mạnh nhất gây ung thư ở các bộ phận thuộc đầu và cổ.
Triệu chứng điển hình của ung thư vùng đầu cổ là người bệnh phát hiện khối bướu hoặc cảm thấy đau tại vùng đầu cổ mà không thể chữa khỏi được, ví dụ đau họng nhưng dùng nhiều biện pháp cũng không khỏi, khó nuốt, giọng nói thay đổi hoặc bị khàn tiếng kéo dài.
Nghiện rượu và các sản phẩm chế xuất từ thuốc lá cùng nhau tăng nguy cơ về lâu dài gây ung thư.
– Ung thư thực quản. Nguy cơ phát bệnh ung thư thực quản của người hút thuốc lớn hơn 8 tới 10 lần người không hút thuốc. Những nguy cơ này sẽ bị tăng thêm từ 25 tới 50 phần trăm nếu người hút thuốc sử dụng nhiều rượu.
– Ung thư thanh quản. Hút thuốc gây nên 80 % trong tổng số ung thư thanh quản. Người hút thuốc chịu nguy cơ mắc bệnh ung thư thanh quản lớn hơn 12 lần so với người không hút thuốc.
– Ung thư miệng. Hút thuốc là nguyên nhân chủ yếu của các bệnh ung thư lưỡi, tuyến nước bọt, miệng và vòm họng. Những người nam giới hút thuốc có nguy cơ lớn gấp 27 lần phát triển các bệnh về ung thư miệng hơn những nam giới không hút thuốc.
– Ung thư mũi. Về lâu dài người hút thuốc sẽ có nguy cơ cao gấp hai lần hơn người không hút thuốc trong phát bệnh ung thư mũi.
Điều trị như nào?
Thứ nhất: Phẫu thuật
Phẫu thuật vùng cổ có thể loại bỏ các tế bào ung thư và một số mô lành lân cận. Nếu ung thư lan rộng, cần phẫu thuật kèm vét hạch. Thông thường sau khi hoàn thành phẫu thuật điều trị ung thư đầu cổ, phải tiến hành xạ trị.
Phẫu thuật sẽ ảnh hưởng đến khả năng nhai, nuốt, hoặc nói chuyện của bệnh nhân. Hình dạng khuôn mặt cũng sẽ thay đổi ít nhiều sau khi phẫu thuật, mặt và cổ có thể bị sưng phồng. Tuy nhiên hiện tượng này sẽ biến mất trong vòng một vài tuần. Sau phẫu thuật cắt bỏ thanh quản, người bệnh sẽ cảm thấy tê ở vùng cổ và cổ họng vì các dây thần kinh đã bị cắt. Tiến hành vét hạch cũng tác động không nhỏ đến vùng vai và cổ của bệnh nhân, các vùng này sẽ trở nên yếu đi. Bác sỹ sẽ thông báo đến bệnh nhân về tất cả những tác dụng phụ và ảnh hưởng sau khi phẫu thuật.
Thứ hai: Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng tia X năng lượng cao nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Những bệnh nhân được xạ trị ở vùng đầu và cổ có thể bị mẩn đỏ, ngứa ngáy, xuất hiện các vết loét trong miệng, khô miệng, khó nuốt, thay đổi vị giác, hoặc buồn nôn.
Thứ ba: Hóa trị
Hóa trị là chữa trị ung thư đầu cổ bằng nhiều loại thuốc chống ung thư khác nhau. Tác dụng phụ của hóa trị liệu phụ thuộc vào từng loại thuốc điều trị. Nói chung, thuốc chống ung thư ảnh hưởng đến sự phát triển nhanh chóng các tế bào, không chỉ tế bào ung thư mà cả các tế bào bình thường của cơ thể.
Kết quả là, bệnh nhân điều trị hóa chất phải chịu các tác dụng phụ như dễ bị nhiễm trùng, lở loét trong miệng và trên môi, chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, và rụng tóc. Mệt mỏi, phát ban, ngứa, đau khớp, mất thăng bằng, và sưng bàn chân hoặc cẳng chân cũng là các tác dụng phụ thường gặp khi điều trị hóa chất.
Đa phần bệnh ung thư có đặc tính tiến triển âm thầm, khó chẩn đoán sớm, vì vậy, tự trang bị kiến thức và khám sức khỏe định kỳ là hai biện pháp tốt nhất để phát hiện sớm các bệnh lý khối u và ung thư. Nhờ vậy cơ hội điều trị khỏi bệnh sẽ cao hơn, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và tránh được các biến chứng do bệnh gây ra.