18.000 chai tương ớt Chinsu bị cấm bán ở Nhật:Masan không liên quan trách nhiệm?
Thông cáo từ website của thành phố Osaka - Nhật Bản ngày 2/4/2019 cho biết: Ngày 8/3/2019, Cục Y tế và Phúc lợi Thành phố Tokyo đã tiến hành kiểm tra sản phẩm tương ớt Chin-su nhập khẩu từ Việt Nam bởi Tập đoàn Javis vì nghi ngờ vi phạm Luật về Vệ sinh Thực phẩm và Đạo luật Nhãn Thực phẩm.
Vì Javis có trụ sở ở thành phố Osaka nên Trung tâm y tế công cộng của thành phố đã ngay lập tức mở một cuộc điều tra tập đoàn này. Qua điều tra, cơ quan chức năng phát hiện đây là tương ớt Chinsu do Tập đoàn Javis tại thành phố Osaka nhập khẩu từ Việt Nam vào ngày 7/12/2018. Sản phẩm do công ty Masan Việt Nam sản xuất.
Ngay khi đó, Trung tâm Y tế Công cộng Thành phố Osaka đã mở một cuộc khảo sát và xác nhận kết quả nhập khẩu, phát hiện trong loại tương ớt này có chứa các chất phụ gia thực phẩm axit benzoic chưa được kiểm định tại Nhật Bản. Theo Luật vệ sinh thực phẩm điều 11 khoản 2, việc sử dụng acid benzoic không được chấp thuận sử dụng trong tương ớt ở Nhật Bản. Ngày 2/4, cơ quan chức năng cũng yêu cầu Tập đoàn Javis thu hồi toàn bộ tổng số 18.000 chai tương ớt Chinsu đã được nhập khẩu từ Việt Nam.
Mẫu tương ớt bị dừng lưu thông tại Nhật Bản. |
Trước thông tin này, đại diện Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan cho biết: “Sau khi kiểm tra thông tin nội bộ chúng tôi khẳng định rằng Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chin-Su cho Công ty Javis Co., Ltd hoặc Công ty ISC Industrial Co., Ltd. Khi xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Nhật Bản, chúng tôi phải tuân thủ quy định ghi nhãn của Nhật Bản. Chúng tôi lấy làm tiếc về sự cố này và cho rằng nếu Công ty Javis Co., Ltd đã liên hệ với chúng tôi để nhập khẩu chính thức thì sự cố ghi nhãn này đã không xảy ra”.
“Hiện chúng tôi chỉ chính thức xuất khẩu trực tiếp sản phẩm tương ớt Chin-Su sang các thị trường Mỹ, Canada, Úc, Nga, Cộng hòa Séc, Trung Quốc, Đài Loan. Do hiện nay chúng tôi không có mẫu sản phẩm nên chưa thể có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất xứ của lô hàng này nhưng nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam, trên đó có ghi rõ “Dành riêng cho thị trường Việt Nam. Không dành cho xuất khẩu. Exclusively for sale in Vietnam. Exports are not authorised”, hoặc là sản phẩm không rõ xuất xứ”, đại diện Masan cho hay.
Masan cũng khẳng định, tất cả các sản phẩm của Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan sản xuất và phân phối đều tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và nước nhập khẩu về an toàn thực phẩm, bao gồm cả các quy định về ghi nhãn, thành phần và sử dụng phụ gia.
Liên quan đến phụ gia thực phẩm benzoic acid, Masan cho hay, theo thông tin được công bố trên cổng thông tin của thành phố Osaka, nhà nhập khẩu đã thiếu sót trong ghi nhãn. Đồng thời, phụ gia thực phẩm benzoic acid không phải là chất cấm mà được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau với hàm lượng tối đa lên đến 2,5g/kg. Hàm lượng phụ gia thực phẩm benzoic acid được Trung tâm y tế công cộng thành phố Osaka kiểm tra trên sản phẩm Tương ớt ChinSu này là từ 0,41-0,45g/kg là an toàn và không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của Nhật Bản.
Tại Việt Nam phụ gia thực phẩm benzoic acid cũng được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau và Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 về quản lý phụ gia thực phẩm, hàm lượng benzoic acid được sử dụng với hàm lượng tối đa 1g/kg sản phẩm tương ớt.
Theo tìm hiểu của PV, axit benzoic ký hiệu E210 là phụ gia chống vi sinh vật thuộc nhóm phụ gia bảo quản.
Tuy nhiên, axit benzoic tan ít trong nước (1g axit benzoic tan trong 275ml nước), chính vì vậy ít được dùng để bảo quản thực phẩm.
Khi vào cơ thể chất này tác dụng với glucocol chuyển thành axit purivic không độc, thải ra ngoài. Tuy nhiên nếu ăn nhiều axit benzoic cơ thể sẽ bị ảnh hưởng vì glucocol dùng để tổng hợp protein sẽ bị mất do tác dụng với axit benzoic để giải độc. Ngoài ra, axit benzoic có thể tác động hệ hô hấp và hệ thần kinh trung ương, gây kích ứng mắt.
Còn thành phần axit sorbic là chất bảo quản sử dụng rộng rãi trong thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thuốc trừ sâu, mỹ phẩm và các ngành công nghiệp khác, như các axit không bão hòa, có thể cũng được sử dụng cho các loại nhựa, gia vị và ngành công nghiệp cao su.
Axit sorbic trên cơ thể con người không tạo ra hiệu ứng gây ung thư và gây quái thai.
Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội axit benzoic và axit sorbic là hai phụ gia thực phẩm. Tại Việt Nam, các chất này vẫn được phép sử dụng với công dụng bảo quản kháng vi sinh trong thực phẩm.
Tuy nhiên, tại Nhật Bản họ không cho sử dụng hai phụ gia thực phẩm này và sản phẩm tương ớt Chinsu chứa chất bảo quản trên thì trở thành sản phẩm bị cấm bán ở Nhật Bản.
Ông Thịnh cho rằng những thông tin các chất phụ gia này có thể gây ung thư là không đúng. Các thông tin cho rằng axit benzoic và muối benzoate khi gặp vitamin C có trong thực phẩm sẽ tạo thành phản ứng sinh ra benzene là chất gây ung thư nhưng thực tế nó không thể sinh ra benzene như thông tin mà nhiều người đang chia sẻ.