Xót xa nữ sinh Quảng Ninh bị bạn lột đồ, reo hò quay clip trong lớp
Sáng 17/6 trên mạng xã hội xuất hiện clip nữ sinh bị bạn học bắt nạt, lột đồ. Đáng buồn hơn là những bạn học khác chứng kiến sự việc diễn ra ngay trong lớp học nhưng lại hò reo, cổ vũ.
Được biết, sự việc trên diễn ra vào sáng ngày 16/6 tại lớp học của Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên Kim Sơn (Đông Triều, Quảng Ninh). Nữ sinh bị lột đồ trước sự hò reo của nhiều bạn học đứng xung quanh, trong đó có cả các nam sinh. Em nữ sinh phản kháng rất yếu ớt, gào khóc nhưng các bạn không buông tha.
Những hình ảnh phản cảm về vụ việc nữ sinh bị bắt nạt đang lan truyền trên mạng xã hội. (Hình ảnh lấy từ mạng xã hội đã được xử lý làm mờ) |
Ông Thái Duy Hưng – Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên Thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) cho biết: “Trung tâm có rất nhiều cơ sở, vì thế ngay sau khi biết thông tin chúng tôi phải xác minh xem ở cơ sở nào, về nguyên nhân có thể là do học sinh mâu thuẫn với nhau. Sau khi có kết quả xác minh, chúng tôi sẽ thông tin lại”.
Trước vụ việc trên, chuyên gia tâm lý giáo dục Vũ Minh Hưng (Trung tâm tư vấn tâm lý 24/7) cho hay: “Học sinh khi trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng mạng trong các sự việc tiêu cực sẽ gánh chịu sức nặng tâm lý rất khủng khiếp.
Họ gặp nhiều khó khăn khi đối diện với gia đình, bạn bè, những người ngoài phạm vi tương tác mạng xã hội đã xem clip đó, nhất là clip quay hình ảnh bị đánh, bị lột đồ. Những học sinh này có thể bị sang chấn tâm lý do sức ép lớn từ cộng đồng mà hậu quả thì người lớn chúng ta không lường hết được.
Tôi thấy thương nạn nhân cùng gia đình vô cùng. Em đã có một nỗi ám ảnh mà cả đời cũng chẳng thể xoá được, rồi em sẽ đối diện ra sao với clip lan tràn trên mạng xã hội như vậy”.
Chuyên gia Vũ Minh Hưng phân tích, ở độ tuổi mới lớn dù là con trai hay con gái thì đều thích thể hiện bản thân, thể hiện uy lực, thể hiện vị trí của mình trong mắt mọi người.
“Tôi rất buồn khi biết trong clip đánh bạn, lột đồ, còn có học sinh đứng ngoài xem, cổ vũ. Điều đó cho thấy sự vô cảm trong các em này. Các em cần có sự quan tâm, giáo dục nhiều hơn nữa từ gia đình, nhà trường và cả xã hội.
Có một thực tế mà chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc để tìm cách khắc phục là hiện nay văn hoá ứng xử học đường đang bị xem nhẹ. Nhà trường chỉ tập trung vào việc dạy kiến thức tự nhiên, xã hội mà quên đi giáo dục nhân cách sống, giáo dục đạo đức, cách hành xử nhân văn cho học sinh.
Một bộ phận học sinh trong các nhà trường đang ứng xử một cách vô văn hoá đến mức báo động. Nó đã thể hiện ở cách ứng xử thiếu văn hóa của một bộ phận học sinh khi chứng kiến bạn mình, đồng loại với mình bị bắt nạt, lột đồ mà vẫn hò reo”, chuyên gia Vũ Minh Hưng cho hay.
Theo chuyên gia Vũ Minh Hưng, bạo lực học đường không dừng lại ở cảnh báo mà còn đang trực tiếp đe dọa đến sự an toàn của thế hệ trẻ ngay tại những môi trường giáo dục tưởng như an toàn nhất.
Khi bạo lực học đường xảy ra, cả người bạo lực và đối tượng bị bạo lực đều như “dính” bản án chung thân trong đời mình. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn chưa nhận thức được sự nghiêm trọng của bạo lực học đường và cách thức bảo vệ con trước vấn nạn này.
Bạo lực học đường một phần bắt nguồn từ gia đình. Một số em ra đường đã dùng nắm đấm để giải quyết vấn đề vì cho rằng, ở nhà bố thường làm như thế với mẹ.
Một phần khác liên quan tới trách nhiệm giáo dục của nhà trường. Mảng giáo dục kĩ năng sống ở nhiều trường đang bị bỏ ngỏ. Hiện các trường chưa có chuyên viên tâm lý nào có trình độ để hỗ trợ về vấn đề bạo lực học đường.
“Các em tuyệt đối không được giữ im lặng mà hãy tâm sự với nhiều người khi có mâu thuẫn với các bạn ở trường. Đến khi nào một trong số những người ấy tin các em, sự việc chắc chắn sẽ có cách giải quyết”, chuyên gia Vũ Minh Hưng nhắn nhủ tới các nạn nhân của bạo lực học đường.
Hoàng Thanh