Xôn xao chuyện 'cắt' điểm ưu tiên với thí sinh tự do, chuyên gia cũng mỗi người một ý!
Trong khi thí sinh tự do muốn tiếp tục được cộng điểm ưu tiên khu vực như mọi năm thì Bộ GD&ĐT giải thích rằng việc bỏ chế độ điểm ưu tiên vì nhóm thí sinh này có nhiều lợi thế hơn thí sinh thi lần đầu.
Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học 2022, điểm cộng ưu tiên khu vực vẫn được giữ nguyên (thí sinh khu vực 1 được cộng 0,75 điểm; khu vực 2 nông thôn 0,5; khu vực 2 là 0,25) nhưng chỉ áp dụng với thí sinh tốt nghiệp THPT năm nay.
Nghĩa là những thí sinh tốt nghiệp từ các năm trước (thí sinh tự do) nếu thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ không được cộng điểm ưu tiên. Trong khi đó quy định cũ cho phép cộng điểm với cả những thí sinh này.
Nhiều thí sinh cho rằng, để vào trường top đầu, nửa điểm ưu tiên khu vực là cả một "gia tài", có thể quyết định việc trượt hoặc đỗ. Chưa kể, một số ngành năm ngoái lấy tới 30 điểm thì vai trò của điểm ưu tiên khu vực càng quan trọng.
Chính vì thế nên dự thảo quy định này khiến nhiều thí sinh dự do cho rằng không hợp lý và bất công với các em.
Về vấn đề này, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh (Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM) cho rằng, nên bỏ cộng điểm ưu tiên khu vực bởi khoảng cách về điều kiện học tập ở các địa phương đang được thu hẹp. Chính sách cộng điểm này không còn nhiều ý nghĩa, lại có thể tạo sự bất công cho thí sinh. Ở các trường top trên, thí sinh đậu hay trượt chỉ cách nhau 0,1-0,2 điểm; trong khi điểm cộng khu vực tối đa là 0,75. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể hỗ trợ thí sinh ở khu vực khó khăn bằng nhiều chính sách khác.
Còn TS Lê Viết Khuyến - Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam lại cho rằng nên giữ quy định cộng điểm ưu tiên cho tất cả các đối tượng, dù là thí sinh dự thi tốt nghiệp năm nay hay thi các năm trước.
Theo ông Khuyến, cộng điểm ưu tiên nhằm khuyến khích, hỗ trợ các thí sinh vùng nông thôn có điều kiện học tập khó khăn hơn thành thị.
Theo Bộ GD&ĐT, thí sinh đã tốt nghiệp những năm trước có nhiều lợi thế và thời gian ôn tập hơn so với những em thi lần đầu. (ảnh minh họa) |
“Theo tôi, chỉ nên bỏ điểm ưu tiên khi đã đảm bảo được sự bình đẳng, công bằng giữa các vùng miền, khu vực. Tại Việt Nam, sự thụ hưởng từ phúc lợi xã hội còn chưa đồng đều, do vậy vẫn cần phải có những sự ưu tiên như thế.
Đối với thí sinh tự do, dù thi lại nhưng hoàn cảnh của các em vẫn không thay đổi, vẫn học ở khu vực ưu tiên và phải chịu nhiều thiệt thòi, tại sao lại có sự phân biệt và loại các em ra như vậy?
Chưa kể, nhiều thí sinh phải vất vả kiếm sống, do không đủ tiền đi học nên phải chấp nhận ở nhà đợi sang năm sau mới thi. Sau một thời gian, đời sống được cải thiện, họ mới có cơ hội được tiếp tục đi học. Với những đối tượng này vẫn nên được ưu tiên, khuyến khích”, TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến vấn đề bỏ việc cộng điểm ưu tiên cho thí sinh tự do, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) giải thích, quy định này nhằm đảm bảo tính công bằng giữa hai nhóm thí sinh: học sinh 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp và những em đã tốt nghiệp, thi để xét tuyển đại học.
Theo bà Thủy, thí sinh đã tốt nghiệp những năm trước có nhiều lợi thế về thời gian ôn tập hơn so với những em thi lần đầu.
"Nhiều thí sinh tuy hộ khẩu ở vùng ưu tiên nhưng đã chuyển đến các địa phương, thành phố có điều kiện tốt hơn để ôn thi một số ít môn phục vụ xét tuyển đại học. Trong khi đó, thí sinh thi lần đầu phải ôn nhiều môn hơn, chịu nhiều áp lực hơn để vừa thi tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học", bà Thủy nói.
Mức độ ưu tiên giảm theo thời gian nhưng việc xác định nhóm ưu tiên theo nhiều chuyên là chưa hợp lý. Hiện, nhiều thành phố thuộc tỉnh có điều kiện dạy và học tương đương với các thành phố trực thuộc trung ương nhưng vẫn được xếp vào khu vực 2. Khi duyệt hồ sơ xét tuyển bằng học bạ, các trường nhận thấy sự tương đương về lực học giữa các nhóm này nhưng theo quy định, thí sinh ở các khu vực ưu tiên vẫn được cộng điểm.
Hoàng Thanh