Xem triển lãm đa dạng sinh học, thêm yêu Hoàng Sa!
Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng, ông Nguyễn Điểu, giới thiệu những hình ảnh tư liệu về tiềm năng đa dạng sinh học của quần đảo Hoàng Sa (Ảnh: HC) |
Như tin đã đưa, chiều 22/5, tại Bảo tàng Đà Nẵng đã khai mạc triển lãm "Đa dạng sinh học TP Đà Nẵng lần thứ 1" với hơn 300 hiện vật, tranh, ảnh, tiêu bản và các ấn phẩm nhằm giới thiệu các giá trị đa dạng sinh học cấp loài, gen và cảnh quan ở Đà Nẵng, những loài có giá trị sinh học và kinh tế cao phục vụ du lịch và bảo tồn.
Đáng chú ý, Ban tổ chức đã dành một vị trí trang trọng ngay giữa khu vực trung tâm của cuộc triển lãm để trưng bày các hình ảnh tư liệu giới thiệu về tiềm năng đa dạng sinh học của quần đảo Hoàng Sa - một huyện thuộc TP Đà Nẵng nhưng đang bị Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm trái phép từ năm 1974 đến nay.
Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Phùng Tấn Viết nhấn mạnh: "Khu vực huyện đảo Hoàng Sa của TP Đà Nẵng là ngư trường truyền thống của ngư dân các tỉnh miền Trung, vốn rất giàu có các loài cá có giá trị kinh tế. Đây còn là khu vực có nhiều loài chim đến làm tổ và sinh sản".
Các em học sinh xem các hình ảnh tư liệu giới thiệu về
tiềm năng đa dạng sinh học của quần đảo Hoàng Sa
Như nắm bắt được ý tưởng này của Ban tổ chức, khu vực trưng bày tiềm năng đa dạng sinh học tại quần đảo Hoàng Sa với những hình ảnh tư liệu về các hòn đảo Rùa, Hữu Nhật, Xà Cừ, Phú Lâm, Hoàng Sa, cảnh trung tâm hành chính, cảnh cây xanh, cảnh khai thác phân chim, cảnh lính bảo an người Việt và người Pháp khai thác nước ngọt... trên quần đảo Hoàng Sa được chụp từ năm 1938 - 1962 đã thu hút khá đông khách tham quan, nhất là các em học sinh, sinh viên.
Và như một mối liên kết đã dần đi vào tiềm thức, sau khi xem phần triển lãm đa dạng sinh học tại quần đảo Hoàng Sa, nhiều em đã đến chụp hình chiếc trống đồng Đông Sơn cùng tấm bảng ghi lời của minh quân Lê Thánh Tông trong sắc dụ gửi viên quan trấn thủ biên giới Lê Cảnh Huy năm 1473: "Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần... Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di", dù những hiện vật này không có liên quan trực tiếp gì đến một cuộc triển lãm về đa dạng sinh học!
Nếu có điều gì đó đáng tiếc thì đó là bên cạnh những bức ảnh tư liệu, BTC thiếu một tấm bảng giới thiệu rõ hơn về tiềm năng đa dạng sinh học của quần đảo Hoàng Sa, tương tự như những tấm bảng giới thiệu đặt tại các khu vực trưng bày về đa dạng sinh học cảnh quan và nông nghiệp, đa dạng sinh học rừng, đa dạng sinh học biển TP Đà Nẵng, đa dạng sinh học trên bán đảo Sơn Trà...
Thực ra, bên cạnh những hình ảnh tư liệu thì những thông tin cụ thể hơn về đa dạng sinh học tại quần đảo Hoàng Sa vốn đã được ghi rõ trong cuốn "Kỷ yếu Hoàng Sa" của UBND huyện Hoàng Sa (NXB Thông tin và Truyền thông, tháng 1/2012): "Hoàng Sa nằm trong vùng "xích đạo từ" có độ sai lệch từ không thay đổi hoặc thay đổi rất nhỏ, rất thuận lợi cho việc đi biển.
Quần đảo này có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, mưa nhiều, thường có sương mù và nhiều giông bão, nhất là từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm. Trên một số đảo có nguồn nước ngọt, cây cối um tùm, vô số chim và đặc biệt là có nhiều rùa biển sinh sống... Vùng biển này có tiềm năng lớn về khoáng sản và nguồn hải sản, thuận lợi trong việc phát triển kinh tế... Quần đảo Hoàng Sa là một thế giới san hô với hơn 100 loài đã tạo thành một phần của vòng cung san hô ngầm dọc bờ biển Đông Nam của lục địa châu Á...".
và lời dụ của minh quân Lê Thánh Tông năm 1473 về trách nhiệm phải "kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần..." dù là một thước núi, một tấc sông! |
Nếu có một tấm bảng ghi rõ những thông tin này, đặt cạnh những bức ảnh tư liệu kể trên, tin chắc chắn khách tham quan, nhất là các bạn thanh niên, các em học sinh, sinh viên sẽ càng hiểu rõ thêm về tiềm năng đa dạng sinh học của quần đảo Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Từ đó mà càng thêm yêu và càng thêm nung nấu quyết tâm đấu tranh giành lại chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa, đưa quần đảo thân yêu này sớm trở về với Tổ quốc!