Xã Ea Pô hướng tới phát triển du lịch văn hóa cộng đồng bền vững
Xã Ea Pô là địa bàn nằm trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, có phân bố các hóa thạch cúc đá (ammonit) rộng hàng ngàn héc ta tại các thôn Nam Tiến, Nhà Đèn, Suối Tre và các thôn lân cận của xã Đắk Wil.
Ea Pô cũng là một địa phương có nhiều dân tộc phía Bắc di cư vào cư ngụ trên địa bàn tạo ra nhiều nền văn hóa phong phú và đa dạng. Đây là một trong những điều kiện vô cùng thuận lợi cho địa phương phát triển du lịch cộng đồng bản địa.
Đặc biệt, tại khu vực suối Công Nhân ở thôn Nam Tiến, có thể quan sát được các vết lộ tự nhiên chứa hóa thạch cúc đá ở hai bên bờ và dưới lòng suối. Hóa thạch cúc đá và hai mảnh vỏ ở đây được các nhà khoa học nhận định có kích thước lớn nhất Việt Nam.
Ngoài các hóa thạch cúc đá, xã Ea Pô còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc mà đa phần là dân tộc Thái gồm 746 hộ với 3.149 nhân khẩu. Đây là cộng đồng dân tộc còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, giàu bản sắc.
Sự phong phú và độc đáo trong văn hóa dân tộc Thái được biểu hiện trong mọi mặt của đời sống hàng ngày từ trang phục, nhà ở, ẩm thực đến lao động sản xuất và các nghi thức, lễ hội truyền thống đặc sắc.
Qua thực tế nghiên cứu và sự tư vấn của các chuyên gia, Ban quản lý công viên địa chất toàn cầu tỉnh Đắk Nông đã chọn xã Ea Pô làm thí điểm xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Có thể nói Ea Pô là địa phương hội đủ các yếu tố về địa chất, địa mạo, văn hóa và đa dạng sinh học để phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với công viên địa chất.
Do vậy phát triển du lịch bền vững dựa trên cộng đồng và khai thác hợp lý các di sản là một trong những tiêu chí bắt buộc của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu.
Ông Đinh Công Xoan, Chủ tịch UBND xã Ea Pô, thông tin, hiện tại đồng bào dân tộc ở trên địa bàn xã Ea Pô còn có nghề dệt thổ cẩm truyền thống với các sản phẩm chăn, gối, địu, quần áo, khăn, túi xách… nên rất phù hợp cho việc gắn kết với hoạt động du lịch cộng đồng. Ngoài ra địa phương còn có đội ngũ nghệ nhân am hiểu văn hóa truyền thống, hiện vẫn thường xuyên thực hiện truyền nghề cho lớp trẻ.
“Dựa trên kết quả nghiên cứu và khảo sát thực tế về tiềm năng ở địa phương, Ban quản lý dự án công viên địa chất toàn cầu cũng đã phê duyệt phương án phát triển du lịch cộng đồng tại địa bàn xã. Hiện nay, địa phương cũng đang phối hợp với Ban quản lý xây dựng phương án hướng dẫn bà con xúc tiến các bước cần thiết như xây dựng quy chế hoạt động của ban quản lý du lịch cộng đồng; nội quy về hoạt động du lịch cộng đồng; xây dựng chương trình nghệ thuật truyền thống phục vụ khách tham quan; thiết kế các sản phẩm lưu niệm từ nghề dệt thổ cẩm để phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách”, ông Đinh Công Xoan, Chủ tịch UBND xã Ea Pô cho hay.
Có thể nói, với lợi thế về tiềm năng đất đai, cùng sự chung tay, góp sức của nhân dân địa phương, nếu xây dựng thành công, mô hình du lịch cộng đồng tại xã Ea Pô sẽ tạo động lực, thúc đẩy các địa phương khác phát triển du lịch cộng đồng trong vùng công viên địa chất và giới thiệu rộng rãi tới các đoàn khách đến tham quan, công tác tại địa phương, từng bước thúc đẩy phát triển nền kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Việc chính quyền xã Ea Pô xây dựng mô hình du lịch cộng đồng trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông là một vấn đề cần thiết để chính cộng đồng, người dân tổ chức, quản lý và làm chủ nhằm đem lại lợi ích kinh tế thông qua hoạt động du lịch.
Hải Dương - BT