Phát triển dệt may, da giày là ngành chủ lực về xuất khẩu
Đối với ngành dệt may, chiến lược đặt kỳ vọng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2030 đạt 6,8 - 7,2%/năm, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu đạt 7,5 - 8,0%/năm. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 50 - 52 tỷ USD và năm 2030 đạt 68 - 70 tỷ USD.
Chiến lược cũng nêu rõ, phát triển công nghiệp thời trang được coi là hướng đi mới. Theo đó, tập trung phát triển các yếu tố về nhân lực thiết kế, cung cấp nguyên liệu, hệ thống sản xuất và phân phối để hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước, tạo cơ sở và nền tảng bền vững cho phát triển công nghiệp thời trang, thị trường thời trang Việt Nam; đồng thời phát triển trung tâm thời trang tại TP.HCM và Hà Nội.
Chiến lược nhấn mạnh tới việc khuýến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dần chuyển hướng đầu tư từ hình th́ức gia công sang sản xuất theo hình thức cao hơn (FOB - mua nguyên liệu, bán thành phẩm, ODM - tự thiết kế bán hàng, OBM- sở hữu nhãn hàng riêng), xây dựng thương hiệu riêng để nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nguyên liệu là vấn đề nan giải nhất của ngành dệt may bấy lâu nay. Vì vậy, để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ dệt may phát triển, theo Chiến lược, ngành dệt may phấn đấu tỷ lệ nội địa hóa ngành giai đoạn 2021 - 2025 đạt 51% - 55% và giai đoạn 2026 - 2030 đạt 56% - 60%.
Để đạt mục tiêu này, cần thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp hỗ trợ và các sản phẩm nguyên, phụ liệu ngành dệt may trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Cùng với đó, hướng các dự án công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên, phụ liệu tập trung phát triển ở khu vực có mật độ cao các doanh nghiệp dệt may như các địa phương thuộc vùng Đông Nam Bộ (Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu), đồng bằng sông Hồng (Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình) và một số tỉnh miền Trung (Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) để giảm chi phí vận chuyển, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển công nghiệp dệt, nhuộm và công nghiệp phụ trợ. Nâng dần tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may, để nâng cao hiệu quả sản xuất và tối đa hóa lợi ích thu được từ các hiệp định tự do thương mại. Đầu tư phát triển mạnh các mặt hàng dệt kim, dệt thoi là những sản phẩm có khả năng gắn kết các khâu sản xuất sợi, may mặc.
Cũng trong giai đoạn này, ngành dệt may cần xây dựng một số khu công nghiệp chuyên ngành dệt may lớn (bao gồm chuỗi sợi-dệt-nhuộm, hoàn tất vải), để sớm cải thiện và phát triển khâu yếu nhất của ngành dệt may Việt Nam hiện nay.
Để làm được những điều này, Chiến lược nhấn mạnh tới vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất xơ, sợi, dệt, nhuộm... bằng các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, không gây tác động xấu đến môi trường và có kết nối với các doanh nghiệp may mặc trong nước, hình thành chuỗi liên kết trên toàn chuỗi giá trị.
Chiến lược phát triển ngành dệt may được phê duyệt sẽ giúp hình thành các khu công nghiệp có xử lý nước thải tập trung thu hút các dự án dệt nhuộm. Hiện nay hạ tầng cho khâu dệt nhuộm và sản xuất vải còn hạn chế.
Thực tế, sản xuất vải trong nước mới đạt sản lượng 2 tỷ mét/năm, đáp ứng 25-30% nhu cầu của ngành may mặc. Ngành dệt may Việt Nam hiện phụ thuộc tới 60-70% nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều may mắn là Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định FTA, tạo điều kiện cho dệt may mở rộng thị trường xuất khẩu với thuế suất giảm dần về 0%.
Nhưng để được hưởng ưu đãi thuế quan, các doanh nghiệp phải đáp ứng quy tắc xuất xứ theo từng FTA, chẳng hạn với CPTPP là quy tắc xuất xứ "từ sợi trở đi", với EVFTA là "từ vải trở đi". Do vậy, nếu không sản xuất được nguyên phụ liệu, đáp ứng yêu cầu xuất xứ, ngành dệt may sẽ không được hưởng lợi từ các FTA và tiếp tục phải gia công với giá trị gia tăng thấp.
Ở một số thị trường hiện nay, khách hàng thay đổi nhận thức từ “thời trang nhanh” sang thời trang bền vững theo hướng kinh doanh tuần hoàn. Đặc biệt, họ quan tâm tới việc các chuỗi cung ứng phải được truy soát về tiêu chuẩn lao động, môi trường.
Chiến lược phát triển ngành dệt may cũng định hướng, từ nay đến năm 2030, ngành chuyển dần trọng tâm sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Từ năm 2030 – 2045, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Do đó, các chính sách cần khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Rà soát các trung tâm, phòng thí nghiệm chuyên ngành hiện có. Đầu tư nâng cao tiềm lực các trung tâm, phòng thí nghiệm tại các viện nghiên cứu chuyên ngành để có đủ năng lực nghiên cứu, kiểm tra chất lượng sản phẩm được quốc tế công nhận, trong đó chú trọng đến các chỉ tiêu an toàn và sinh thái.
Mai Anh