Vụ nữ sinh TP.HCM đánh nhau trong lớp học: Kỷ luật người liên quan, nhắc nhở học sinh toàn trường
Những ngày vừa qua trên mạng xã hội xuất hiện một video dài hơn 5 phút ghi lại cảnh nữ sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu túm tóc, đánh nhau ngay trong lớp học dưới sự chứng kiến của bạn bè.
Cụ thể, trong video là hình ảnh 2 nữ sinh đang túm áo, túm tóc và đánh liên tục vào đối phương. Trong lúc hai bạn nữ này đánh nhau, một số bạn khác không những không can ngăn mà còn nhảy vào túm tóc, đánh vào một bạn nữ. Cả hai sau đó vật nhau sõng soài giữa nền nhà.
Để việc đánh nhau không lộ ra ngoài, một số học sinh lớp này còn kêu gọi chốt cửa. Đáng nói, chứng kiến vụ việc nhưng các thành viên khác trong lớp không hề can ngăn, một số bạn còn thản nhiên ngồi trên bàn giáo viên xem, một số khác thì cổ vũ, bình luận.
Được biết, hai nữ sinh có mâu thuẫn với nhau từ hồi học THCS, đến ngày 10/3 do lại có xích mích nên đã đánh nhau.
Ngay sau khi sự việc diễn ra, Ban Giám hiệu Trường THPT Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã mời 2 em này cũng như phụ huynh hai bên đến trường làm việc, tìm ra nguyên nhân mâu thuẫn để giải quyết.
Từ hôm đó tới nay nhà trường đã có 4 buổi làm việc, ngoài hai bên gia đình còn có công an khu vực tham gia buổi làm việc.
Hai nữ sinh lớp 10 Trường THPT Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), đánh nhau trong lớp |
Ông Lê Thanh Xuân - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu cho biết, Hội đồng kỷ luật của nhà trường vừa mới họp, đưa ra các quyết định kỷ luật học sinh liên quan đến vụ hai nữ sinh đánh nhau trong lớp 10C7.
Trong đó, áp dụng theo thông tư 08 của Bộ GD-ĐT, nữ sinh trực tiếp đánh bạn và một nữ sinh phụ đánh bạn trong lớp sẽ bị đình chỉ học một tuần, xếp loại hạnh kiểm yếu trong học kỳ 2.
Ngoài ra, với hai nữ sinh này, trường sẽ phối hợp với phụ huynh học sinh trong việc giáo dục các em. Nhà trường thống nhất, trong thời gian kỷ luật, hai em này vẫn được lên trường, 2 ngày đầu nhà trường sẽ nhờ giáo viên bộ môn giáo dục công dân, tư vấn tâm lý để ngồi lại nói chuyện, động viên và tư vấn thêm cho các em về các quy tắc ứng xử, giải quyết mâu thuẫn. Sau đó cho các em tham gia lao động ở trường như quét dọn, vệ sinh…
5 học sinh khác là những em trực tiếp quay video, cổ động bạn đánh nhau sẽ bị cảnh cáo trước toàn trường. Còn 8 em khác liên quan đến vụ việc cũng bị khiển trách trước hội đồng kỷ luật của trường.
“Từ vụ việc này, chúng tôi cũng đã dành thời gian sinh hoạt với học sinh toàn trường để nhắc nhở học sinh về nội quy, quy tắc ứng xử văn hóa học đường, luật an ninh mạng…”, ông Xuân nói.
Theo Bộ GD&ĐT thì tuyên truyền bộ quy tắc văn hóa ứng xử học đường trong trường học đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống và ý thức công dân cho học sinh, sinh viên.
Văn hóa học đường được biểu hiện ở các khía cạnh như giao tiếp, ứng xử văn hóa thông qua công tác giảng dạy, học tập, hoạt động tập thể, vui chơi... Bộ GD và ÐT đã quan tâm ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai xây dựng văn hóa học đường, văn hóa ứng xử, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo dục thẩm mỹ cho nhà giáo, người học nhằm xây dựng môi trường sư phạm, môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh trong các cơ sở giáo dục.
Ðể công tác xây dựng quy tắc ứng xử trong nhà trường thật sự có hiệu quả, nhiều chuyên gia cho rằng cần đổi mới phương pháp dạy học các môn học như: Giáo dục công dân, Ngữ văn, Lịch sử..., theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học.
Trong đó, hết sức coi trọng phương pháp trải nghiệm, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa của người học; giáo dục kiến thức pháp luật, giáo dục công dân.
Bên cạnh đó, các trường cần đa dạng hóa hình thức giáo dục văn hóa ứng xử thông qua các hoạt động tập thể, các câu lạc bộ, cuộc thi, diễn đàn, tọa đàm, đối thoại..., phát huy vai trò hướng dẫn về ứng xử văn hóa của các học sinh khóa trước, đội ngũ cán bộ lớp, chi đoàn đối với các học sinh. Phải làm được điều đó thì mới mong đẩy lùi được bạo lực học đường.
Hoàng Thanh