Nữ sinh TP.HCM bị đánh tới tấp ngay trong lớp học
Trên mạng xã hội vừa xuất hiện một đoạn video dài hơn 6 phút ghi lại cảnh học sinh đánh nhau dã man trong lớp học.
Đoạn video tiếp tục khiến nhiều người băn khoăn về vấn đề bạo lực học đường hiện nay và hiệu quả ứng dụng của bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường trong các cơ sở giáo dục.
Theo đoạn clip ghi lại, một nữ sinh dùng tay tát liên tiếp, giật tóc, dùng chân đá liên tiếp vào mặt nữ sinh còn lại.
Nữ sinh bị bạn đánh tới tấp ngay trong lớp học (ảnh cắt từ clip) |
Nữ sinh bị đánh không thể phản kháng, chỉ biết ôm đầu chịu trận. Xung quanh có nhiều bạn học chứng kiến cảnh đánh nhau nhưng không có bất kỳ ai can ngăn sự việc.
Được biết, sự việc xảy ra tại trường THPT Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Ông Lê Thanh Xuân - Hiệu trưởng trường THPT Phan Đăng Lưu xác nhận vụ việc xảy ra tại trường.
“Đây là lần thứ ba những học sinh này đánh nhau. Chúng tôi đã mời công an, phụ huynh và các học sinh lên làm việc”, ông Xuân cho hay.
Còn ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, Sở cũng đã nắm được sự việc và yêu cầu nhà trường làm rõ để báo cáo về Sở. Đồng thời, ngay trong chiều nay, Sở sẽ xuống trường để làm việc, nắm tình hình vụ việc.
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, quy tắc ứng xử trong trường học là những chuẩn mực, giá trị và hành vi ứng xử cóvăn hóa thông qua các hoạt động giao tiếp, sinh hoạt, làm việc, học tập…
Qua đó, nhằm điều chỉnh cách thức ứng xử của mọi thành viên trong nhà trường theo thuần phong mỹ tục; tạo môi trường làm việc, học tập thân thiện, hợp tác, trách nhiệm, cởi mở, trung thực, văn minh trong nhà trường và đặc biệt là xóa bỏ nạn bạo lực học đường.
Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết đã đặt ra yêu cầu trong giai đoạn 2020-2021 có 100% trường học xây dựng, thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục theo quy định của Bộ GD-ĐT ban hành, phù hợp với điều kiện và đặc trưng của mỗi nhà trường.
Hằng năm có ít nhất 95% cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên và người học được tuyên truyền, phổ biến, học tập về văn hóa ứng xử trong trường học, gia đình và cộng đồng; có 95% cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên và người học, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Đội Thiếu niên được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học; 95% cơ sở giáo dục thực hiện văn hóa và nếp sống văn minh trong trường học,… Trong giai đoạn 2022-2025, các chỉ tiêu nói trên đạt 100%.
Cũng theo thông tin từ Sở GD&ĐT TP.HCM, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về văn hóa ứng xử, xây dựng và triển khai quy định văn hóa ứng xử trong trường học, các cơ sở giáo dục cần đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử, trong đó Đề án nhấn mạnh, đổi mới phương pháp dạy học các môn học Đạo đức, Giáo dục công dân, Ngữ văn, Lịch sử, Pháp luật,… theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học.
Đa dạng hóa hình thức giáo dục văn hóa ứng xử thông qua các hoạt động tập thể, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, câu lạc bộ, cuộc thi, tọa đàm,…Cụ thể, cần đổi mới phương pháp dạy học các môn học như: Giáo dục công dân, Ngữ văn, Lịch sử... theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học.
Trong đó, hết sức coi trọng phương pháp trải nghiệm, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa của người học; giáo dục kiến thức pháp luật, giáo dục công dân.
Các trường nghiên cứu, xây dựng, tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa tại đơn vị cụ thể, phù hợp với các bậc học. Chú ý xây dựng quan hệ ứng xử giữa các thành viên chuẩn mực, theo đúng tinh thần "Tôn sư trọng đạo", nâng cao năng lực trình độ, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp.
Đồng thời, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
Hoàng Thanh