Vụ bạo hành bé 8 tuổi tử vong: Xét xử công khai nhưng HĐXX có quyền ngăn chặn phát tán hình ảnh thương tâm lên MXH
Có quan điểm cho rằng nên xét xử kín vụ án vì hình ảnh đánh đập bé V. A nếu bị lan truyền công khai trên mạng xã hội sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ em và các bậc phụ huynh khác.
Hôm nay 21/7/2022, TAND TP. HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi, quê Gia Lai) và bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái (37 tuổi, cha của nạn nhân).
Vụ án được dư luận hết sức quan tâm do hành vi phạm tội của các bị cáo không chỉ đặc biệt nghiêm trọng mà còn xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của trẻ em – đối tượng được pháp luật bảo vệ đặc biệt.
Theo Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM và Cáo trạng của VKSND TP. HCM thì bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang đã phạm tội “Giết người” và “Hành hạ người khác”, được quy định tại Điều 123, Điều 140 Bộ luật Hình sự; bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái đã phạm tội “Hành hạ người khác” và “Che giấu tội phạm”, được quy định tại Điều 140, Điều 389 Bộ luật Hình sự.
Trước khi phiên xét xử diễn ra, có luồng quan điểm cho rằng nên xét xử kín vụ án, vì rất nhiều tài liệu, chứng cứ để định tội danh cho các bị cáo là những hình ảnh của cháu bé bị hành hạ trong thời gian dài, hình ảnh bị đánh đập đến chết, hành ảnh tử thi… sẽ khiến gia đình cháu bé đau lòng, sợ hãi, ám ảnh. Đồng thời nếu các hình ảnh này bị lan truyền công khai trên mạng xã hội cũng sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ em và các bậc phụ huynh khác.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định trong một số trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án sẽ quyết định xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.
Tuy nhiên, TAND TP. HCM đã quyết định xét xử công khai vụ án.
Luật sư Vũ Văn Quyết |
Chia sẻ thêm về vấn đề này dưới góc nhìn của luật pháp, Luật sư Vũ Văn Quyết (Công ty Luật TNHH Hiệp Thành, Liên đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, nguyên tắc chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, nghĩa là nếu các bị cáo không thành khẩn, quanh co chối tội thì HĐXX buộc phải công khai các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
Theo đó, những hình ảnh đau lòng của cháu bé có thể sẽ phải công khai để làm căn cứ buộc tội các bị cáo một cách khách quan, công bằng, đúng pháp luật.
Dưới góc nhìn theo quy định của pháp luật dân sự thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Về nguyên tắc việc sử dụng hình ảnh phải có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ. Điều 32 BLDS 2015 có quy định: “Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”.
“Như vậy, trường hợp vụ án nêu trên thì khi xét thấy cần thiết, HĐXX sẽ công khai các hình ảnh của cháu bé để đảm bảo việc giải quyết vụ án đúng pháp luật”, luật sư Vũ Văn Quyết cho biết.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 25 Luật Báo chí năm 2016 (có hiệu lực từ 1-1-2017) quy định rất rõ là nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai. Tuy nhiên, việc tác nghiệp báo chí phải tuân thủ Điều 256 BLTTHS năm 2015 và Điều 3 Quy chế tổ chức phiên tòa. Điều 256 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định:
“Điều 256. Nội quy phiên tòa
1. Mọi người vào phòng xử án phải mặc trang phục nghiêm túc, chấp hành việc kiểm tra an ninh và thực hiện đúng hướng dẫn của Thư ký Tòa án.
2. Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa.
3. Mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án và khi tuyên án. Bị cáo phải đứng khi Kiểm sát viên công bố cáo trạng hoặc quyết định truy tố. Người được Tòa án triệu tập đến phiên tòa muốn trình bày ý kiến phải được chủ tọa phiên tòa đồng ý; người trình bày ý kiến phải đứng khi trình bày ý kiến, khi được hỏi.
Những người vì lý do sức khỏe có thể được chủ tọa phiên tòa cho phép ngồi.
4. Tại phiên tòa, bị cáo đang bị tạm giam chỉ được tiếp xúc với người bào chữa cho mình. Việc tiếp xúc với những người khác phải được chủ tọa phiên tòa cho phép.
5. Người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập đến phiên tòa.”
Theo các quy định nêu trên thì mọi người trong phòng xử án phải tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa. Như vậy, khi chiếu lại các hình ảnh thương tâm, đau lòng của cháu bé là tình huống cực chẳng đã để phục vụ việc giải quyết vụ án thì chủ tọa phiên tòa hoàn toàn có quyền yêu cầu mọi người trong phòng xử án không được livestream, quay phim, chụp hình những hình ảnh như vậy, nếu vi phạm sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
Xét xử vụ 'dì ghẻ' bạo hành bé 8 tuổi: 'Xin đừng công khai các hình ảnh cháu bị tra tấn dã man'
Bày tỏ quan điểm trước phiên xét xử vụ cháu bé 8 tuổi bị bạo hành, TS Khuất Thu Hồng ủng hộ xử công khai “cặp đôi ác nhân” nhưng xin đừng công khai các hình ảnh cháu bị tra tấn dã man.
* Không copy nội dung bài viết dưới mọi hình thức khi chưa được Infonet chấp thuận bằng văn bản!
N. Huyền