VPBank tăng vốn sẽ soán ngôi BIDV thành ngân hàng lớn nhất Việt Nam?
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa xin ý kiến các cổ đông bằng văn bản về việc thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ VPBank 2021.
Theo đó, VPBank sẽ tăng vốn điều lệ bằng việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu từ nguồn quỹ đầu tư phát triển và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của ngân hàng.
Căn cứ báo cáo tài chính đã kiểm toán và biên bản họp đại hội đồng cổ đông thường niên của VPBank trong 3 năm gần nhất về việc giữ lại lợi nhuận không chia và không thực hiện chia các quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của các năm 2018 đến 2020. Theo đó, lũy kế đến 31/12/2020, nguồn lợi nhuận chưa phân phối và quỹ đầu tư phát triển đạt khoảng 19.511 tỷ đồng; nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ khoảng 808 tỷ đồng… có thể dùng cho mục đích tăng vốn điều lệ.
HĐQT VPBank đề xuất số liệu dự kiến dùng các nguồn trên để phát hành thêm 1.975.798.700 cổ phần để tăng vốn điều lệ từ 25.299 tỷ đồng lên 45.057 tỷ đồng trong năm 2021, tương ứng tổng mức chia cổ phiếu (cổ tức và cổ phiếu thưởng) cho cổ đông hiện hữu sở hữu cổ phiếu phổ thông tại thời điểm chốt danh sách là 80%.
Như vậy, nếu thực hiện thành công, VPBank sẽ soán ngôi BIDV để trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam và bỏ xa các ngân hàng còn lại.
Hiện 10 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất bao gồm BIDV (40.220 tỷ đồng), VietinBank (37.235 tỷ đồng), Vietcombank (37.089 tỷ đồng), Techcombank (35.049 tỷ đồng), Agribank (30.614 tỷ đồng), MBBank (27.987 tỷ đồng), VPBank (25.300 tỷ đồng), ACB (21.000 tỷ đồng), Sacombank (18.852 tỷ đồng) và SHB (17.510 tỷ đồng).
Theo quy định của pháp luật, một số chỉ số về an toàn vốn và an toàn hoạt động của ngân hàng được tính dựa trên vốn điều lệ, hiện tại một vài chỉ số của VPBank đang ở mức giới hạn cao, nên chưa tận dụng tối ưu các cơ hội đổi mới, phát sinh trong quá trình vận hành.
Do vậy, việc VPBank tăng vốn điều lệ nhằm thực hiện các mục tiêu như: đảm bảo tỷ lệ đầu tư, góp vốn vào các lĩnh vực kinh doanh khác; cải thiện các tỷ lệ được quy định gắn với mức vốn điều lệ phục vụ cho việc linh hoạt trong quá trình kinh doanh; chính thức ghi nhận nguồn vốn điều lệ, tăng trưởng nguồn vốn trung và dài hạn phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng tín dụng; cải thiện các chỉ số an toàn vốn và an toàn hoạt động khác.
Tuân Nguyễn
VPBank thu bao tiền từ bán vốn FeCredit?
VPBank vừa thông báo đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui - Tập đoàn SMBC để bán 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit).