Vợ chồng tốt nhất đừng làm chung
Ở chỗ làm việc mâu thuẫn; về nhà, sự khó chịu ấy vẫn đeo bám hai người khiến không khí gia đình nặng nề, căng thẳng.
Ngày anh chị mở công ty riêng, nhiều người cảnh báo: vợ chồng làm chung thể nào cũng lục đục. Bạn bè còn nhắc chuyện nhiều đôi vợ chồng đình đám, tạo dựng được cơ ngơi bề thế nhưng rốt cục đường ai nấy đi vì bất đồng quan điểm không chỉ trong cuộc sống mà trong cả kinh doanh.
Dù vậy, chị vẫn tự tin vào khả năng lèo lái của cả hai cũng như tình yêu của họ. Bao cửa ải khó khăn từ ngày yêu nhau đến lúc này họ đều vượt qua thì chuyện bất đồng ý kiến trong việc quản lý công ty có sá gì!
Nghĩ vậy, nhưng khi bắt tay vào việc, mâu thuẫn từ bé đến lớn mới bắt đầu lộ diện. Từ những việc nhỏ như mua cái bàn, cái ghế lúc khởi đầu, đến những việc quan trọng hơn như tuyển dụng, quản lý nhân sự.
Với sự nhạy cảm và một chút đa nghi bản năng của phụ nữ, chị luôn cẩn trọng, khắt khe trong việc đánh giá đối tác cũng như tuyển chọn cộng sự. Trái lại, anh luôn phản đối ý kiến của chị bằng sự phóng khoáng, hào sảng và có chút cả tin, dễ dãi của đàn ông.
Có lần, cô thủ quỹ bỏ việc ngang xương cùng số tiền thất thoát tuy không quá nhiều nhưng đủ để anh với chị cãi nhau một trận toé lửa vì chị đã đánh giá thấp con bé ngay khi phát hiện nó vài lần nhập nhèm sổ sách trong khi anh cứ nói chị đa nghi, cảm tính đàn bà.
Ở công ty mâu thuẫn bởi công việc, về nhà sự khó chịu ấy vẫn đeo bám khiến họ căng thẳng, không khí gia đình vì thế mà kém vui (ảnh minh hoạ) |
Lần khác, cũng vì tính cả nể của anh mà công ty gặp vấn đề. Đó là khách hàng mới, được giới thiệu qua người quen, nên anh không yêu cầu đặt cọc như mọi khi, bỏ ngoài tai những lời nhắc nhở của chị. Và anh đã không soạn một hợp đồng chặt chẽ phòng bất trắc.
Vì chuyện đó mà anh chị giận nhau cả tuần. Anh bảo chị đàn bà tủn mủn, vụn vặt không thể làm nên chuyện lớn. Chị bảo anh chủ quan, khinh suất, “đi đêm cũng có ngày gặp ma”.
Lần đó anh “gặp ma” thật. Công ty đối tác nhận hàng xong đã không thanh toán, trong khi giá trị đơn hàng khá lớn. Rầy rà, cù cưa mãi không đòi được nợ, anh đến nơi làm dữ, lúc ấy mới biết doanh nghiệp đang nợ nần và bị thưa kiện khắp nơi. Chị biết anh thua keo đó rồi, cũng không muốn đổ thêm dầu vô lửa, chì chiết càm ràm gì thêm, nhưng anh không những không nhận ra mình bất cẩn, chủ quan mà còn bực bội kiểu “quê độ” với chị.
Công ty của hai vợ chồng còn trải qua nhiều biến cố lớn nhỏ khác, nhưng anh chị hiếm khi tìm được tiếng nói chung. Ở chỗ làm việc mâu thuẫn, về nhà, sự khó chịu ấy vẫn đeo bám khiến họ căng thẳng, không khí gia đình nặng nề, nói ra câu nào cũng "ông chằng bà chuộc". Anh không chịu được tâm lý vợ mà cứ đòi khôn hơn chồng, còn chị thì cay cú với quan niệm phụ nữ thì chẳng thể gây dựng cơ đồ với cái tính tiểu tiết, vụn vặt, hay kỳ đà cản mũi mà anh gán cho chị.
Còn rất nhiều những chuyện lệch pha như vậy, buộc chị nhận ra rằng: Khi yêu nhau, những gì khiến người ta tin là tâm đầu ý hợp, thực ra chỉ là do chưa có cơ hội gần gũi, cọ xát. Sau ba năm làm việc chung, công ty không phát triển bao nhiêu, nhưng mối quan hệ của vợ chồng chị đã nhiều phen sóng gió.
Cuối cùng, chị quyết định ra ngoài làm thuê, giao toàn bộ công ty cho anh. Nhiều lúc nhìn anh vất vả quay cuồng với núi việc, chị cũng thương, nhưng nhất định không quay lại.
Khi yêu nhau, những gì khiến người ta tin là họ rất tâm đầu ý hợp thực ra chỉ là do họ chưa có cơ hội gần gũi, cọ xát (ảnh minh hoạ). |
Những ngày tháng làm việc cùng anh đã dạy chị bài học: Muốn làm chung với vợ (chồng) thì phải xác định chịu nhún nhường, bào mòn bớt sự gai góc khác biệt của mình. Nếu cả hai đều mạnh mẽ, cá tính, thì tách ra là hay nhất.
Ít ra đó là cách tốt nhất để duy trì tình cảm vợ chồng và sự tôn trọng lẫn nhau, điều mà dẫu kiếm được nhiều tiền cũng không bù lại được.
Theo phunuonline.com.vn