Vĩnh Phúc xây dựng NTM theo phương châm phát huy nền tảng, sức mạnh toàn dân
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn luôn phát huy sức mạnh toàn dân, tinh thần đoàn kết và vai trò làm chủ của người dân theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.
Trao đổi với PV Infonet, một lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Thực hiện Quyết định số 1996/QĐ-TTg ngày 04/11/2014 và Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 05/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và biên chế Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp, tỉnh đã thành lập và kiện toàn bộ máy giúp việc cho Ban Chỉ đạo các cấp theo hướng tăng cường cán bộ chuyên trách.
Cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới ở các cấp thường xuyên được đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Từ đó UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra phương hướng và mục tiêu xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, theo nguyên tắc “Nông thôn mới là nền tảng, tái cơ cấu nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể".
Do đó, Vĩnh Phúc phát huy những kết quả đạt được của 10 năm qua để tiếp tục xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững, đi vào chiều sâu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của người dân nông thôn”.
Đường nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc khang trang sạch đẹp. |
Theo đó, một số yêu cầu cụ thể trong xây dựng nông thôn mới tại Vĩnh Phúc là:
Việc xây dựng nông thôn mới phải gắn với công nghiệp hóa nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn; đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị, phát triển hài hòa kinh tế, xã hội và môi trường; thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong tỉnh; tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; tăng cường phát triển dịch vụ thương mại nông thôn; phát huy tính chủ động sáng tạo của địa phương, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị, xã hội.
Hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc chăm sóc đường cây cảnh. |
Việc xây dựng nông thôn mới phải gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh.
Tiếp đến là xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn, gia tăng giá trị, khả năng tiêu thụ nông sản và tăng thu nhập bình quân của nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Xây dựng nông thôn mới cũng phải chú trọng bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn; các giá trị tốt đẹp về văn hóa, con người Vĩnh Phúc được bảo tồn và phát huy, người dân được tiếp cận chất lượng dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe tốt, thúc đẩy bình đẳng giới, gìn giữ và vun đắp hệ giá trị gia đình Việt Nam, tăng cường xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng, an ninh trật tự được giữ vững, nhất là an ninh trật tự xã hội nông thôn.
Chị em phụ nữ chăm chút vườn hoa cây cảnh tại nhà văn hóa thôn. |
Từ những yêu cầu trên, mục tiêu tổng quát trong xây dựng nông thôn mới tại Vĩnh Phúc là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng nông thôn mới thông minh. Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; đời sống nông thôn giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thúc đẩy bình đẳng giới; đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Có ít nhất 15% số thôn trên địa bàn toàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Mỗi xã có ít nhất 01 thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% số xã duy trì đạt chuẩn nông thôn mới, có ít nhất 40% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Mỗi huyện có ít nhất 01 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Đến hết năm 2022, có 100% số huyện được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết năm 2025, có ít nhất 01 huyện được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao.
Tiến Anh