Việt Nam lên tiếng về lập trường của Mỹ với các yêu sách ở Biển Đông
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 15/7 cho biết, Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế.
Cụ thể, liên quan đến Tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo về Lập trường của Hoa Kỳ đối với các yêu sách biển ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. |
"Hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế. Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu đó.
Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 36, rằng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.
Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hoà bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này."
Trước đó, trong tuyên bố hôm 13/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh Trung Quốc đã đưa ra những cơ sở pháp lý không rõ ràng để minh chứng cho tham vọng ở Biển Đông và trong nhiều năm dùng chứng cứ này để bắt nạt các nước Đông Nam Á.
Trong tuyên bố cứng rắn công khai lần đầu tiên nói về những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố, “Chúng tôi muốn nhấn mạnh rõ ràng rằng, những tuyên bố của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên phần lớn Biển Đông là hoàn toàn phi pháp, bởi đây là chiến dịch bắt nạt để kiểm soát khu vực”.
“Thế giới sẽ không để Bắc Kinh hành xử trên Biển Đông với tư cách là một đế chế hàng hải”, ông Pompeo nói thêm.
Trong ngày 14/7, một tàu khu trục của hải quân Mỹ đã cho tiến hành hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) ở Biển Đông. Trong những năm gần đây, Mỹ đã cho tăng cường thực hiện sứ mệnh tuần tra trên vùng biển chiến lược mang lại giá trị hơn 3 nghìn tỉ USD/năm.
Trung Quốc nói gì sau khi Mỹ công khai bác bỏ yêu sách ở Biển Đông?
Sau khi Mỹ lần đầu tiên công khai bác bỏ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông, Trung Quốc đã có lời đáp trả.
Tuệ Minh