Mỹ có thể trừng phạt Trung Quốc vì hành động ở Biển Đông
Quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ nhấn mạnh khả năng Washington có thể áp đặt lệnh trừng phạt chống lại Trung Quốc vì hành động ngang ngược ở Biển Đông.
Hôm 14/7, quan chức ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Đông Á cảnh báo, Washington có thể áp đặt lệnh trừng phạt chống lại các quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc liên quan tới hành động cưỡng ép ở Biển Đông.
Lời cảnh báo của ông David Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á được đưa ra chỉ một ngày sau khi Mỹ lần đầu tiên công khai bác bỏ những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Mỹ có thể áp đặt lệnh trừng phạt với Trung Quốc vì hành động ngang ngược ở Biển Đông. (Ảnh: EPA-EFE) |
Cụ thể, trong tuyên bố hôm 13/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh Trung Quốc đã đưa ra những cơ sở pháp lý không rõ ràng để minh chứng cho tham vọng ở Biển Đông và trong nhiều năm dùng chứng cứ này để bắt nạt các nước Đông Nam Á.
"Mọi thứ đang nằm trên bàn thảo luận, có khả năng cho điều đó. Hành động rõ ràng và thực chất mới là thứ ngôn ngữ Trung Quốc hiểu được", ông Stilwell phát biểu về khả năng Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt với Trung Quốc vì hành động ngang ngược ở Biển Đông.
Trong tuyên bố cứng rắn công khai lần đầu tiên nói về những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố, “Chúng tôi muốn nhấn mạnh rõ ràng rằng, những tuyên bố của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên phần lớn Biển Đông là hoàn toàn phi pháp, bởi đây là chiến dịch bắt nạt để kiểm soát khu vực”.
“Thế giới sẽ không để Bắc Kinh hành xử trên Biển Đông với tư cách là một đế chế hàng hải”, ông Pompeo nói thêm.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Ông Greg Poling, một chuyên gia nghiên cứu Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington nhận định, việc Mỹ ra tuyên bố cứng rắn về tính pháp lý liên quan tới những tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ mở đường cho Washington đưa ra phản ứng mạnh mẽ hơn như thông qua các lệnh trừng phạt hoặc có thể là tăng cường sự hiện diện của lực lượng hải quân ở khu vực.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã chỉ trích tuyên bố từ phía Ngoại trưởng Mỹ, đồng thời cáo buộc đây là việc “phá hủy nền hòa bình và ổn định của khu vực cũng như là hành động vô trách nhiệm”.
Đáng nói, cũng trong ngày 14/7, một tàu khu trục của hải quân Mỹ đã cho tiến hành hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) ở Biển Đông. Trong những năm gần đây, Mỹ đã cho tăng cường thực hiện sứ mệnh tuần tra trên vùng biển chiến lược mang lại giá trị hơn 3 nghìn tỉ USD/năm.
Mối quan hệ Mỹ - Trung ngày càng trở nên căng thẳng liên quan tới loạt tranh cãi về cách Bắc Kinh xử lý dịch Covid-19, cho tới vấn đề Hong Kong và các cuộc trấn áp cộng đồng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
Theo ông Stilwell, quan điểm ngày càng cứng rắn có nghĩa là “Mỹ sẽ không tiếp tục quan điểm trung lập về các vấn đề hàng hải" ở Biển Đông.
Trước đây, ông Stilwell từng đưa ra lời cảnh báo với Trung Quốc về hành động tại bãi cạn Scarborough, khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines nhưng đã bị Bắc Kinh chiếm đóng vào năm 2012.
“Bất cứ động thái chiếm đóng, cải tạo hoặc quân sự hóa của Trung Quốc trên bãi cạn Scarborough sẽ bị xem là hàng động nguy hiểm và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ giữa Mỹ - Trung cũng như toàn khu vực”, ông Stilwell nói.
Ẩn ý từ chuyến bay hiếm hoi của trinh sát cơ Mỹ gần Trung Quốc
Chuyến bay hiếm hoi của trinh sát cơ Mỹ E-8C gần bờ biển Trung Quốc được cho nhằm phát hiện những động thái bất thường từ quân đội Trung Quốc.
Minh Thu (lược dịch)