Vì sao xuất hiện 'cơn khát' được tắm nước nóng ở Syria?
Thay vì tới nhà tắm hơi công cộng để giải trí như trước đây, người dân Syria đang đổ xô tới các cơ sở này để giải tỏa "cơn khát" được tắm nước nóng.
Tình trạng thiếu nguồn cung điện, nước và nhiên liệu trên khắp lãnh thổ Syria đang giúp các nhà tắm hơi công cộng ở thành phố cổ Aleppo trở nên đắt khách giữa thời tiết mùa đông lạnh giá.
Trong năm nay, thành phố Aleppo đã phải trải qua thời gian dài bị cắt điện với tần suất lên tới 20 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, các nhà tắm hơi công cộng ở Aleppo đã có cách riêng để có đủ nguồn cung nước nóng phục vụ khách hàng. Cuộc khủng hoảng nhiên liệu trầm trọng ở Syria đã khiến việc người dân được tắm nước nóng ở nhà trở thành điều “xa xỉ”.
“Gia đình chúng tôi sử dụng chủ yếu điện để sưởi ấm căn nhà, nhưng nguồn điện lại bị cắt gần như cả ngày. Ở đây, chúng tôi được tận hưởng cảm giác được tắm thực sự”, anh Mohammed Hariri (31 tuổi) đã phải chờ nửa tiếng đồng hồ mới tới lượt vào phòng tắm xông hơi chia sẻ.
Với thiết kế các phòng xông hơi có mái vòm, lát đá cẩm thạch và lắp vòi nước hình lục giác, trong suốt nhiều thế kỷ những nhà tắm hơi công cộng ở Aleppo trở thành địa điểm tụ tập của cánh đàn ông. Bởi họ được cùng nhau tắm, nghe nhạc và thậm chí ăn nhậu.
Tuy nhiên, do nguồn cung điện, nước và nhiên liệu đang thiếu hụt, những nhà tắm hơi công cộng như ở Aleppo giờ lại trở thành điểm đến của nhiều người để thỏa mãn "cơn khát" được tắm nước nóng trong thời gian dài vào giai đoạn mùa đông giá rét.
Tại Hammam al-Qawwas, một trong hơn 50 nhà tắm hơi truyền thống ở thành phố cổ Aleppo, dầu diesel và gỗ được dùng để đun nóng nước và tạo hơi nước.
Trong không khí vui vẻ tụ họp, những người đàn ông được nhìn thấy vừa trò chuyện, vừa bôi xà phòng và kì cọ cho nhau. Dường như những quy định phòng chống dịch Covid-19 không tồn tại ở đây.
Anh Hariri cho hay trước đây khi còn là một đứa trẻ, anh từng nhiều lần tới các nhà tắm hơi ở Aleppo cùng với bố và các bác. Còn giờ đây, anh Hariri tới cùng con trai mình. Khác với truyền thống tới nhà tắm hơi để vui vẻ với bạn bè, anh Hariri và con trai tới nhà tắm hơi với mục đích được thỏa mãn nhu cầu tắm, do nước ở nhà không đủ dùng cho gia đình 5 người.
“Ở nhà, bạn sẽ chỉ có thể tắm trong 5 phút, nhưng ở nhà tắm hơi, bạn có thể ở lại tới 5 tiếng”, anh Hariri tâm sự.
Trong suốt 10 năm nội chiến ở Syria, nhiều nhà tắm hơi công cộng cũng đã bị phá hủy. Kể từ sau khi quân chính phủ Syria tái giành quyền kiểm soát thành phố Aleppo vào năm 2016, cho tới nay mới chỉ có 1/10 nhà tắm hơi mở cửa hoạt động trở lại.
Ngồi tại quầy lễ tân của nhà tắm hơi Hammam al-Qawwas, anh Ammar Radwan (33 tuổi) bận rộn trả lời điện thoại của các khách hàng gọi tới để đặt chỗ trước. Anh Radwan được thừa hưởng nhà tắm xây dựng từ thế kỷ 14 này từ ông nội.
Anh Radwan thừa nhận chưa bao giờ anh nghĩ sau khi mở cửa trở lại, nhà tắm hơi sẽ làm ăn phát đạt như bây giờ.
“Chúng tôi kinh doanh trở lại vào năm 2017 sau khi cuộc chiến ở Aleppo kết thúc. Chúng tôi cũng chưa từng nghĩ tình hình kinh doanh lại khởi sắc như này”, anh Radwan nói.
Ông Jalal al-Helou (53 tuổi), người cha của 3 đứa con và là hàng quen của nhà tắm hơi do anh Radwan điều hành, cho biết “mỗi tháng tôi đi tắm hơi ít nhất là một lần vì tôi muốn được tắm đúng nghĩa”.
Giống như nhiều người dân ở Aleppo, ông Helou thường phải tắm nước lạnh hoặc nước chỉ hơi âm ấm tại nhà để nhường cho vợ và các con.
Cũng theo ông Helou, đôi khi ông phải dùng củi để đun nước nóng cho mọi người trong nhà có nước ấm để tắm. “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là đủ nước nóng cho bọn trẻ dùng”, ông Helou thừa nhận.
“Trong quá khứ đi tới các nhà tắm hơi công cộng chủ yếu là để giải trí. Nhưng nay, nó trở thành nhu cầu thiết yếu mỗi tháng 1 – 2 lần”, ông Nader Mashlah, người cha của 6 đứa con và là một nhân viên chính phủ chia sẻ.
Nỗi cô đơn và hoảng loạn của 1.450 đứa trẻ Afghanistan một mình ở Mỹ sau sơ tán
Trong số 1.450 trẻ Afghanistan một mình ở Mỹ sau sơ tán, hàng trăm em đang vô cùng cô đơn và hoảng sợ do không biết bao giờ được đoàn tụ với gia đình.
Minh Thu (lược dịch)