Vì sao nói ASEAN quan trọng với kinh tế toàn cầu?
Tại Hội nghị Thượng đình ASEAN lần thứ 27 diễn ra hôm 22/ 11/2015, các nhà lãnh đạo thế giới không chỉ nhiệt tình tham dự mà còn tái khẳng định những cam kết về việc tăng cường các mối quan hệ kinh tế với ASEAN, hỗ trợ ASEAN thực hiện mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa các nước thành viên.
Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 đã thu được nhiều kết quả to lớn.
Tổng thống Mỹ Barack Obama chụp ảnh cùng với các nhà lãnh đạo ASEAN tại Kuala Lumpur, Malaysia hôm 22/11/2015. |
Một trong những cột mốc quan trọng đạt được trong hội nghị là bản sửa đổi Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa ASEAN-Trung Quốc. Theo đó, tới năm 2020, thương mại song phương ASEAN-Trung Quốc sẽ được nâng lên 1 nghìn tỷ USD.
New Zealand tuyên bố đầu tư hơn 200 triệu đô New Zealand (hơn 131 triệu USD) vào các nước ASEAN trong vòng 3 năm tới. Đây được coi là một phần trong thỏa thuận nâng cấp mối quan hệ New Zealand - ASEAN lên quan hệ đối tác chiến lược. Khoản đầu tư trên sẽ tập trung vào lĩnh vực xây dựng năng lực của người dân trong khu vực và tạo mối liên kết giữa các nhà lãnh đạo và các doanh nhân.
Nhật Bản cũng cam kết giúp cải thiện khả năng làm việc của nguồn lao động trẻ trong ASEAN.
Hội nghị Thượng Đỉnh Đầu tư và Kinh doanh 2015 cũng đã trở thành hội nghị bên lề lịch sử khi lãnh đạo của 3 trong số những quốc gia lớn nhất thể giới gồm Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cùng tham gia phát biểu.
Trong chuyến đi lần này, ông Obama cũng kêu gọi các nước ASEAN tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong khi đó, ông Abe hoan nghênh sự hợp tác hơn nữa giữa Nhật Bản và ASEAN. Ông Modi công bố kế hoạch thành lập Diễn đàn Đổi mới ASEAN - Ấn Độ để tạo thuận lợi cho việc thương mại hóa các công nghệ giá rẻ và chuyển giao công nghệ.
Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng rất lạc quan với những kế hoạch sắp tới. Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Najib Tun Razak cho rằng, sau khi thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), ASEAN sẽ đạt tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân 5,6%/năm cho tới năm 2019.
Ông cũng tin tưởng, với AEC, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực sẽ tiếp tục tăng. Theo ông, AEC sẽ đem đến nhiều cơ hội kinh tế và việc làm trong ASEAN, giúp ASEAN tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn đối với các đầu tư và doanh nhân quốc tế.
Các biện pháp để tiếp tục tự do hóa và hội nhập AEC, chẳng hạn như giảm hàng rào thuế quan hay khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), sẽ nâng tổng GDP khu vực lên 7% vào năm 2025.
Nhận thức được tầm quan trọng của các các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong tăng trưởng kinh tế của khu vực, ASEAN đã thành lập một nền tảng kĩ thuật số mang tên Growth Accelerator Exchange (GAX) để hỗ trợ các nhu cầu tài chính của SME trong ASEAN.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo ASEAN đang tập trung thúc đẩy các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực nhằm gắn kết hơn nữa nền kinh tế của các quốc gia thành viên.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Malaysian Insider, một trang tin phổ biến ở Malaysia.