Biết làm thủ thuật hồi sức cấp cứu nhưng người Hàn vẫn không dám hỗ trợ nạn nhân, vì sao?
Sau thảm kịch giẫm đạp ở Itaewon trong lễ hội Halloween vào đêm ngày 29/10 khiến 156 người thiệt mạng, tầm quan trọng của thủ thuật hồi sức tim phổi (CPR) và sơ cứu ban đầu càng được chú trọng. Do đó, chính phủ Hàn Quốc đang mở rộng chương trình đào tạo CPR cho các thanh thiếu niên và nhân viên làm việc tại những cơ sở liên quan tới giới trẻ.
Vào thời điểm xảy ra thảm họa ở Itaewon, các nhân viên y tế, cảnh sát và nhiều người dân đã cố gắng làm CPR để cứu hàng chục nạn nhân rơi vào tình trạng ngưng tim, sau khi họ bị mắc kẹt và bị xô ngã trong con hẻm nhỏ hẹp.
CPR là một thủ thuật khẩn cấp, kết hợp giữa ấn ngực và thông khí nhân tạo mục đích để hồi phục lượng máu giàu oxy lên não của bệnh nhân, từ đó bảo tồn chức năng não của bệnh nhân được nguyên vẹn cho đến khi các biện pháp cấp cứu y tế tiếp theo được thực hiện. Việc thực hiện CPR một cách nhanh chóng sẽ tăng cơ hội sống cho nạn nhân bị ngưng tim lên 2 – 3 lần.
Theo Korea Times, sau thảm kịch giẫm đạp ở Itaewon, mạng xã hội Hàn Quốc tràn ngập các video hướng dẫn cách làm thủ thuật CPR. Ngoài ra, nhiều người cũng đổ xô đăng ký tham gia các khóa học miễn phí cấp cứu được chính quyền địa phương tổ chức.
Trong thông báo hôm 3/11, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc cho hay cơ quan này sẽ mở rộng đào tạo CPR cho thanh thiếu niên và các nhân viên làm việc tại cơ sở phục vụ giới trẻ.
Trong vòng 3 ngày qua, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc đã phân phát các thiết bị và tài liệu giảng dạy CPR cho các trung tâm giới trẻ, đồng thời đưa yêu cầu tham gia khóa học bắt buộc này đối với những ai muốn vào làm việc tại các cơ sở phục vụ giới trẻ.
Trước đó, hôm 1/11, Bộ Giáo dục Hàn Quốc thông báo sẽ tăng cường đào tạo CPR tại các trường học trong cả nước.
Theo chương trình giảng dạy hiện nay, học sinh cấp 1, 2 và 3 đều được tham gia các khóa học CPR và kỹ năng sơ cứu ban đầu trong vòng 2 tiếng đồng hồ/năm. Tuy nhiên, do thiếu các nguồn tài nguyên như bộ thiết bị CPR, hầu hết các trường chỉ học lý thuyết mà không được thực hành thực tế.
Do đó, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết sẽ mở rộng hợp tác với các cơ quan liên quan để cung cấp thiết bị học cần thiết, cũng như tái triển khai các chương trình giáo dục an toàn bao gồm những biện pháp bảo toàn tính mạng khi ở nơi đông người.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ, ngoài mở rộng đào tạo CPR, các quy định và luật liên quan tới CPR cũng cần được sửa đổi để khuyến khích người dân chủ động làm CPR cho nạn nhân trong tình huống khẩn cấp. Nguyên nhân là do nhiều người dù biết làm thủ thuật CPR, nhưng vẫn do dự vì lo sợ phải đối mặt với pháp luật trong trường hợp nạn nhân gặp chuyển biến xấu.
Theo luật hiện hành, nếu một người dân bình thường hoặc nhân viên y tế có bằng cấp nhưng không trong ca làm việc thực hiện thủ thuật CPR, nếu gây tổn thương thể chất cho bệnh nhân, người làm CPR được miễn trừ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân chết, người thực hiện CPR có thể bị luận tội hình sự “giảm nhẹ”.
Các bác sĩ cho rằng dù bộ luật hiện hành có mục đích ngăn chặn người thực hiện thủ thuật CPR quá mạnh tay nhưng vẫn có khả năng cứu sống được bệnh nhân, song lại kèm theo trách nhiệm pháp lý nếu như bệnh nhân rơi vào trường hợp xấu.
Cho tới nay chưa có trường hợp nào bị đưa ra tòa án xét xử và phải chịu trách nhiệm pháp lý sau khi hỗ trợ nạn nhân làm CPR. Tuy nhiên, theo bác sĩ Park Soo-hyun tại khoa cấp cứu ở Bệnh viện Mokdong thuộc Đại học Nữ Ewha, một số người đã phải đối mặt với các vụ kiện dân sự mà bên đệ đơn kiện là bệnh nhân hoặc gia đình bệnh nhân.
“Trong tình huống bị ngưng tim, mỗi giây đều đáng quý. Và CPR là phương pháp cứu mạng duy nhất mà những người không phải là nhân viên y tế có thể làm được trong lúc chờ xe cấp cứu. Có nhiều trường hợp bệnh nhân được người đi đường cứu mạng nhờ làm CPR kịp thời”, bà Park nói với Korea Times.
“Do đó, các bộ luật hiện hành là không phù hợp khi vẫn đề cập tới trách nhiệm pháp lý trong trường hợp bệnh nhân qua đời”, bà Park nói thêm.
Bà Park cũng cho biết bà đã vô cùng ngạc nhiên và xúc động khi biết nhiều người đã ngay lập tức làm thủ thuật CPR để cứu các nạn nhân trong thảm họa ở Itaewon.
“Ngay cả khi mọi người biết làm thủ thuật CPR, nhưng sẽ rất khó đối với một người bình thường đối mặt với tình huống thực tế bị sốc tâm lý khi mà hàng chục người đang sắp chết ở xung quanh”, bà Park nhấn mạnh.
Hồi đầu tháng Sáu, nghị sĩ Shin Hyun-young thuộc đảng Dân chủ Hàn Quốc cũng đã đề xuất dự luật mang tên “Luật Người tốt” nhằm khuyến khích người dân cứu nạn nhân đang gặp nguy hiểm bằng cách giới hạn trách nhiệm pháp lý với người hỗ trợ.
Nếu như dự luật được thông qua, nó sẽ bảo vệ pháp lý cho những người có lý do chính đáng cứu nạn nhân trong trường hợp nạn nhân không may gặp hậu quả xấu.
“Dự luật cũng sẽ bảo vệ tốt hơn cho các bệnh nhân trong tình huống khẩn cấp bằng cách khuyến khích người dân chủ động hỗ trợ cứu mạng”, bà Shin đề xuất dự luật sau khi dùng thủ thuật CPR để cứu một người đàn ông bị ngưng tim trên một chuyến tàu tốc hành hồi tháng Năm.
Cũng theo bà Shin, dự luật được đề xuất không trói buộc trách nhiệm pháp lý liên quan tới hành vi sơ suất trong lúc cứu mạng nạn nhân.
Anh trai ‘ế vợ’ bị nhắc trốn vào nhà vệ sinh trong ngày cưới của em trai
Nữ quan chức Trung Quốc bị điều tra vì đeo khuyên tai có giá hơn 4.000 USD
Minh Thu (lược dịch)