Nguy cơ tái hiện ‘thảm kịch Itaewon’ trên tàu điện ngầm chật kín người ở Hàn Quốc
Vào mỗi buổi sáng, cô Lee (30 tuổi), một nhân viên văn phòng, thường đi tuyến số 9 của hệ thống Seoul Metro từ ga Dangsan đến ga Sinnonhyeon. Tuy nhiên, vào sáng ngày 31/10, cô đã phải xuống tàu giữa chừng vì cảm thấy bị khó thở.
“Tôi không thể thở được. Đây không phải là lần đầu tiên tôi cảm thất bị ngạt thở khi đi tàu điện ngầm vào buổi sáng. Nhưng giờ nó nghiêm trọng tới mức giống như một vụ tấn công”, Korea Times dẫn lời cô Lee, hành khách đi tuyến số 9 của hệ thống Seoul Metro vốn luôn trong tình trạng quá tải vào giờ cao điểm.
Trong khi mọi người vẫn cố lách và chen vào trong khoang tàu đã chật kín người đứng, cô Lee không thể không nghĩ tới nguy cơ một ngày nào đó xảy ra cảnh tượng đám đông chen lấn xô đẩy như trong thảm kịch Itaewon vào đêm ngày 29/10 khiến 156 người chết và 151 người khác bị thương mà đa số nạn nhân là trẻ vị thành niên và thanh niên ngoài 20 tuổi. Sự việc bất ngờ xảy ra khi hàng nghìn người tham dự lễ hội Halloween đã cùng đổ xô vào một con hẻm nhỏ dẫn tới nhiều người bị ngạt thở, giẫm đạp và qua đời.
“Dù tôi không ở Itaewon vào đêm hôm đó, nhưng tôi cảm nhận được sự chết chóc nếu như nó xảy ra trên tàu điện ngầm”, cô Lee nói.
Thảm kịch Itaewon trở thành một trong những tai nạn nơi đông người cướp đi sinh mạng của nhiều người nhất trong lịch sử Hàn Quốc. Sự việc đang gây ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật của người dân đất nước củ sâm. Bởi người dân Hàn Quốc vốn quen với cảnh đô thị chật chội và đông đúc người đi trên đường nay bắt đầu lo sợ về mức độ nguy hiểm khi đứng giữa đám đông.
Theo số liệu năm 2021 của Seoul Metro, mật độ trung bình trong giờ cao điểm buổi sáng giữa các ga Noryangjin và Dongjak trên tuyến số 9, một trong những khu vực đông dân nhất, là 185%. Nếu mật độ vượt quá 150%, hành khách sẽ không thể di chuyển tự do trong khoang tàu.
Người đi tàu gọi cảnh tượng này là "địa ngục trần gian", do hành khách bị dồn ép đứng sát cạnh nhau tới mức cơ thể không thể cử động được. Không ít cuộc ẩu đả quy mô nhỏ đã xảy ra khi đám đông chen lấn để lên hoặc xuống tàu, và thậm chí một số người còn không thể chen qua được đám đông để xuống điểm dừng của mình.
“Những chuyến tàu điện ngầm ở Seoul luôn chật kín người, và chuyện này có thể dẫn tới tình trạng khó thở hoặc cơn hoảng loạn đối với một số hành khách. Tuy nhiên, chúng tôi đã quen với mật độ dày đặc trong cuộc sống thường nhật”, Giáo sư Park Cheong-woong tại Đại học Sejo Cyber nhận định.
Trong khi đó, ông Lee Song-kyu, người đứng đầu Hiệp hội An toàn Hàn Quốc, cảnh báo thảm kịch bất ngờ trong đám đông có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào.
“Tôi không muốn nói tồn tại nguy cơ cao những chuyến tàu điện ngầm chật kín người có thể dẫn tới thảm kịch giẫm đạp nghiêm trọng. Nhưng tôi nghĩ rằng thảm kịch Itaewon đã cho chúng ta thấy thảm kịch trong đám đông có thể xuất hiện bất ngờ ở mọi nơi và ngày qua ngày. Do đó, chính quyền các địa phương cũng như người dân cần phải cảnh giác”, nam Giáo sư nói.
“Săn phù thủy”
Mạng xã hội Hàn Quốc đang tràn ngập những thông tin chưa được kiểm chứng về nguyên nhân dẫn tới thảm kịch Itaewon, cũng như thủ phạm khiến 156 người phải bỏ mạng khi tham dự lễ hội Halloween.
Theo Korea Times, bắt đầu từ đêm 29/10, một số nhân chứng và người may mắn sống sót trong thảm kịch Itaewon đã lên mạng để chia sẻ trải nghiệm kinh hoàng. Trong đó, mạng xã hội Hàn Quốc đang chĩa mũi dùi vào một người đàn ông đeo băng đô đen gắn tai thỏ.
Một người dùng mạng xã hội cho biết anh ta là một trong số ít người thoát khỏi con hẻm tử thần, nơi xảy ra vụ giẫm đạp ở Itaewon. Người này nói rằng chính người đàn ông ngoài 20 tuổi đeo băng đô đen và các bạn của anh này đã cố tình xô đẩy đám đông vốn đang bị mắc kẹt trong con hẻm nhỏ cạnh khách sạn Hamilton, nên dẫn tới hiệu ứng domino khiến đám ông giẫm đạp lên nhau.
Nhiều cư dân mạng khác cũng tham gia truy tìm người đàn ông đeo băng đô đen gắn tai thỏ bằng cách chia sẻ video và hình ảnh lên mạng xã hội. Thậm chí, một người còn công khai hình ảnh khuôn mặt của người đàn ông lên mạng. Từ đây, nhiều người lao vào cáo buộc người đàn ông là “thủ phạm chính”, đồng thời yêu cầu người này tự thú với cảnh sát.
Song khi đăng lời giải thích lên Instagram hôm 1/11, người đàn ông đã phủ nhận mọi cáo buộc của cư dân mạng.
“Tôi và những người bạn đang là nạn nhân của chiến dịch săn phù thủy. Đúng là hôm đó, chúng tôi có tới Itaewon, nhưng vào thời điểm xảy ra thảm kịch, chúng tôi đã rời đi từ trước”, người đàn ông viết.
Thậm chí, người đàn ông còn trình bằng chứng vô tội là tấm vé đi tàu điện ngầm. Theo hình ảnh chụp màn hình giao dịch qua ứng dụng ngân hàng, người đàn ông mua vé đi tàu điện ngầm tại ga Itaewon lúc 21h55 và xuống ga Hapjeong lúc 22h17. Trong khi đó, cuộc gọi khẩn cấp đầu tiên liên quan đến vụ giẫm đạp ở Itaewon được thực hiện lúc 22h15.
“Hãy dừng ngay chiến dịch đi săn phù thủy”, người đàn ông nhấn mạnh.
Theo bà Kim Un-kyung, người đứng đầu Viện Mungcle, “Lời khai và bình luận của những người có mặt tại hiện trường có thể chỉ là chủ quan. Họ nói về những điều mà họ nghĩ là đúng. Điều này gây ra ảnh hưởng tiêu cực, nếu như chúng được công khai mà chưa được kiểm chứng hay xác thực. Thực tế trường hợp ở Itaewon là thảm họa xã hội, và trách nhiệm không thể đổ tại một cá nhân".
Người đàn ông đeo chiếc băng đô màu đen không phải trường hợp duy nhất bị cư dân mạng Hàn Quốc truy lùng danh tính, và đổ lỗi là nguyên nhân dẫn tới thảm kịch.
Một số người còn cho rằng đám đông xô vào con hẻm nhỏ để gặp một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội tới địa điểm gần đó. Những người khác nói rằng các nạn nhân chết do ăn phải kẹo có chứa ma túy, dù cảnh sát không nhận được báo cáo nào về việc ma túy có liên quan tới thảm kịch ở Itaewon.
Ngay cả các chính trị gia cũng bắt đầu đưa ra suy đoán về nguyên nhân thảm kịch để xem xét liệu có thể ngăn chặn nó xảy ra hay không, và bằng cách nào.
Thậm chí, bà Nam Young-hee tại Viện Dân chủ thuộc đảng đối lập Dân chủ Hàn Quốc (DPK) còn chỉ trích đồn cảnh sát quận Yongsan không đủ lực lượng để kịp thời đối phó với sự cố tại con hẻm tử thần vào đêm ngày 29/10. Bởi theo bà Nam, 700 cảnh sát của quận đã được điều động tham gia làm nhiệm vụ bảo vệ đường di chuyển cho Tổng thống Yoon Suk-yeol.
Khâm phục người cha đưa con trai bại não cùng tham gia 53 giải chạy marathon suốt 7 năm
Hãng hàng không xin lỗi sau khi nữ hành khách phải tự lết trên sàn máy bay
Minh Thu (lược dịch)