Vì sao cứ đến tháng 4 chị em lại ám ảnh cảnh 'tóc gió thôi bay'?
Theo các bác sĩ da liễu, vào tháng 4 và tháng 7 được xem là thời điểm tóc rụng nhiều nhất vì vậy mà người ta hay gọi mùa rụng tóc, khiến chị em lại ám ảnh cảnh 'tóc gió thôi bay'
Bác sĩ da liễu chia sẻ cách chăm sóc da đơn giản, ít tốn kém nhưng hiệu quả
Để có làn da đẹp, khỏe khoắn thì cách chăm sóc da hàng ngày như thế nào vô cùng quan trọng. Những cách chăm sóc da đơn giản, ít tốn kém nhưng lại hiệu quả mà không phải chị em nào cũng biết.
Chị Nguyễn Hoài Thương (sinh năm 1984) làm nhân viên văn phòng tại Hà Nội chia sẻ luôn cảm thấy ám ảnh vì rụng tóc. Trong nhà nhìn đâu đâu cũng thấy tóc rụng, từ giường ngủ đến phòng ăn, nhà tắm.
Chị Thương thường lấy băng dính rồi đi quanh nhà để dính những sợi tóc rụng lại. Nhiều khi chỉ lấy tay chải rồi vuốt, tóc cũng rụng lả tả. Sau một đêm ngủ dậy, tóc dính vương lại trên gối dù không bị giật hay cọ xát gì mạnh.
Chị cũng áp dụng nhiều mẹo dân gian như gội đầu bằng vỏ bưởi, bồ kết, tinh dầu dừa... nhưng tình trạng không khả quan.
Theo bác sĩ Hoàng Văn Tâm – Phó Trưởng khoa Điều trị nội trú ban ngày - Bệnh viện Da liễu Trung ương, rụng tóc luôn là nỗi ám ảnh thậm chí nó là một nguyên nhân gây căng thẳng cho mọi người, nhất là với phụ nữ. Và tình trạng này có lẽ sẽ trầm trọng hơn khi mùa rụng tóc sinh lý gần tới.
BS Tâm cho biết bình thường tóc chúng ta có các sợi anagen chiếm khoảng 90%. Đây là các sợi tóc đang ở giai đoạn phát triển, sau đó chuyển qua giai đoạn catagen. Cuối cùng, tóc ở giai đoạn telogen (chiếm khoảng 10%) là giai đoạn tóc bắt đầu thoái triển và rụng để bắt đầu 1 chu kì mới.
Tóc ở giai đoạn anagen kéo dài khoảng vài năm, trong khi giai đoạn telogen kéo dài 2-3 tháng. Vì có giai đoạn này nên tóc của chúng ta có thể rụng hàng ngày, đây cũng là dấu hiệu bình thường của cơ thể. Mỗi ngày cơ thể cho phép rụng khoảng 100-150 sợi. Tuy nhiên, theo bác sĩ Tâm khi tóc rụng quá nhiều khoảng hơn 100-150 sợi/ngày mới được coi là bất thường.
Rụng tóc theo mùa là rụng tóc có tính chất chu kì của cơ thể cũng giống như mùa lá rụng hay mùa thay lông của động vật. Trong nghiên cứu của Kunz đỉnh điểm rụng tóc theo mùa vào tháng 4 và tháng 7 hàng năm.
Ám ảnh vì tóc rụng khắp nhà. |
Mùa đông tóc ít rụng hơn bởi vì thời tiết lạnh nên cơ thể con người cũng cần có 1 bộ tóc dày nhất chống lại lạnh. Đây cũng là 1 trong những yếu tố thích nghi của cơ thể với môi trường.
BS Tâm lý giải tóc rụng theo mùa bởi vì tóc chúng ta đến giai đoạn telogen sẽ bị rụng sau khoảng 2-3 tháng. Tuy nhiên những sợi tóc này về mùa đông sẽ không rụng để chúng ta chống lại cái lạnh. Vì thế nó sống sót thêm vài tháng nữa trước khi đến tháng 4 và tháng 7 sẽ bắt đầu rụng hàng loạt. Điều này lý giải vì sao cứ đến thời điểm này nhiều người rơi vào cảnh “tóc gió thôi bay".
Việc tóc chuyển qua các giai đoạn cũng chính là quá trình lão hóa bình thường. Dưới tác động ánh sáng mặt trời lên tóc của chúng ta, làm cho những sợi tóc già cỗi rụng để thay bằng các sợi tóc trẻ khỏe hơn để chuẩn bị cho 1 chu kì tiếp theo.
Bác sĩ Tâm khuyến cáo về cơ bản tóc sẽ mọc trở lại theo đúng quy luật nên chúng ta không cần lo lắng và can thiệp. Nếu có điều kiện có thể thể bổ sung vitamin, cystein, sắt…
Trường hợp rụng tóc bệnh lý đó là rụng nhiều, rụng không mọc lại, rụng tạo thành các vùng hói. Người bệnh rụng tóc cảm giác tóc không hề mọc lại, bằng chứng rõ nhất là tóc bạn ngày càng mỏng và ít đi. Đặc biệt, khi xem da đầu bạn sẽ thấy rất ít tóc con được mọc lên thậm chí có những mảng rất thưa tóc có thể là rụng tóc bệnh lý cần điều trị. Trường hợp rụng tóc bất thường rụng trên 150 sợi một ngày thì bạn cũng nên tìm tới các bác sĩ da liễu. Khi đó, bác sĩ sẽ thăm khám, chụp tóc để tìm chính xác nguyên nhân gây rụng tóc.
Còn trường hợp rụng tóc sinh lý theo chu kỳ phát triển của tóc, rụng theo mùa, bác sĩ Tâm cho rằng, tóc rụng rồi sẽ mọc lại chị em không nên quá lo lắng, ám ảnh.
K.Chi