Tiêm filler để tăng vẻ quyến rũ, căng da, nhưng cách làm như tự sát
Trước khi làm đẹp bằng cách tiêm filler phải biết bác sĩ thực hiện kỹ thuật này đã có chứng chỉ hành nghề hay chưa. Nhẹ dạ trong trường hợp này là tự sát. Nhiều người đã phải trả giá, thậm chí mất cả mạng vì làm đẹp.
Một phụ nữ tử vong sau khi tiêm chất làm đầy nâng ngực tại nhà
Bệnh viện Thống Nhất đã tiếp nhận và cấp cứu một phụ nữ sinh năm 1988, vào viện vì sốt, khó thở sau đó diễn tiến nặng, gia đình xin về. Bệnh nhân đã tiêm filler trước đó 1 tuần để nâng ngực.
PGS Đỗ Quang Hùng - nguyên Trưởng khoa phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết rất nhiều người đã phải trả giá, thậm chí mất cả mạng vì làm đẹp tại các thẩm mỹ chui, kém an toàn.
Liên quan tới trường hợp nữ bệnh nhân tử vong tại TP.HCM sau khi tiêm chất làm đầy nâng ngực được 1 tuần. Các bác sĩ thẩm mỹ lại lên tiếng cảnh báo về trào lưu thẩm mỹ , làm đẹp ở các spa, các cơ sở làm đẹp 'chui'.
Từ trước tới nay biến chứng do làm đẹp từ các spa, các thẩm mỹ viện chui vẫn nhan nhản.
PGS Hùng cho biết hiện nay đang bùng nổ tiêm filler làm đẹp, đâu đâu cũng thấy quảng cáo tiêm filler làm đẹp. Những biến chứng từ việc làm đẹp bằng tiêm filler không ngừng gia tăng. Silicon đã bị cấm vì tác hại khủng khiếp của nó đã được chứng minh rõ ràng thì chất làm đầy filler ngay lập tức được thay thế.
PGS Đỗ Quang Hùng cho rằng chính quyền ở đâu để các spa tự tung tự tác. |
Bác sĩ Hùng cho biết hầu như tuần nào cũng có vài ca điều trị biến chứng từ các spa như là tiêm chất làm đầy môi, mũi, thái dương… rồi thậm chí cả phẫu thuật xâm lấn như nhấn mí, nâng mũi độn chất liệu. Tất cả đều được thực hiện bởi các bác sĩ không rõ lai lịch, thậm chí chỉ là “bác sĩ” học nghề ở các thẩm mỹ viện được vài tháng.
Mặc dù bản thân bác sĩ Hùng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo nhưng ông cảm thấy bất lực. Theo ông, trước hiện tượng biến chứng từ các spa, trách người dân 1 thì trách cơ quan quản lý nhiều lần.
Cơ quan chính quyền ở đâu khi các spa ung dung làm các thẩm mỹ xâm lấn, quảng cáo tiêm chất làm đầy nhan nhản trên mạng. Bác sĩ Hùng cho rằng có thể gắn trách nhiệm của chính quyền với hoạt động của các spa giống như phòng chống dịch Covid-19 thì may ra mới hạn chế được việc tự tung tự tác của các spa làm đẹp hiện nay.
Đối với người dân, bác sĩ Hùng nhấn mạnh trước khi làm đẹp bằng cách tiêm filler phải xác định bác sĩ thực hiện kỹ thuật này đã có chứng chỉ hành nghề hay chưa. Nhẹ dạ trong trường hợp này là tự sát.
Hiện trên mạng, chỉ cần tìm kiếm, các khóa học tiêm filler, botox sẽ xuất hiện nhan nhản với những quảng cáo mùi mẫn, học viên không cần tiêu chí gì chỉ cần đóng tiền.
"Khóa học cũng đủ thứ gồm những nội dung, kiến thức từ cơ bản đến nâng cao của phương pháp làm đẹp tiên tiến không cần phẫu thuật. Khóa học tiêm filler, botox có thời gian ngắn, mang lại hiệu quả cao. Nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật về an toàn vệ sinh, không gây đau, chảy máu trong quá trình tiêm filler, botox" - một quảng cáo của thẩm mỹ viện nhận đào tạo tiêm chất làm đầy. Từ những quảng cáo này mà đã cho ra lò rất nhiều người tự nhận mình là bác sĩ, kỹ thuật viên tiêm.
Trong khi đó, tiêm chất làm đầy phải do bác sĩ thực hiện. Ở nước ngoài chất làm đầy họ sử dụng rất nhiều và không có biến chứng nhiều bởi họ được thực hành tốt bởi những người có kinh nghiệm, ngược hoàn toàn với Việt Nam hầu như toàn các nhân viên spa làm.
Không chỉ nỗi lo tay nghề, bác sĩ Hùng cho biết, tiêm filler còn tiềm ẩn nguy hiểm khi chất làm đầy không rõ nguồn gốc nhiều nhan nhản.
Nếu tiêm 1 cc chất làm đầy có nguồn gốc xuất xứ có giá khoảng 7,8 triệu đồng thì chất không rõ nguồn gốc chỉ bán với giá từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Nếu người có nhu cầu chỉ cần 2,3 triệu đồng là có thể làm đẹp. Điều này hoàn toàn nguy hiểm với người được tiêm.
Tiêm filler chỉ là một phẫu thuật nhỏ nhưng việc đảm bảo an toàn cho bệnh nhân phải luôn đặt lên hàng đầu, không phải muốn tiêm ở đâu cũng được, ai tiêm cũng được, tiêm chất gì cũng được.
Khánh Chi