Ủy ban Kinh tế làm việc với Ủy ban Hỗ trợ phát triển Phần Lan
Theo daibieunhandan.vn, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa có cuộc làm việc với Ủy ban Hỗ trợ phát triển – Cộng hòa Phần Lan.
Tại cuộc làm việc, đại diện Ủy ban Kinh tế cho biết, từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới vào nửa cuối những năm 1980, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế rất ấn tượng, có vai trò quan trọng đưa đất nước gia nhập hàng ngũ có các quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2010 và đóng góp làm giảm nghèo nhanh chóng với mức thu nhập trung bình đầu người là 1.068 USD, năm 2013 là 1.960 USD. Nền kinh tế đã trải qua những thay đổi cấu trúc cùng với sự dịch chuyển của lao động từ ngành nông nghiệp sang lao động hưởng lương trong các ngành sản xuất, xây dựng và dịch vụ… Tốc độ tăng trưởng khá cao, GDP giai đoạn 1991 - 2000 tăng 7,6%, giai đoạn 2001 - 2010 là 7,3%, giai đoạn 2011- 2013 là 5,6%.
Đại diện Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho biết, Hiến pháp 2013 với nhiều điểm mới cơ bản về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân tại Chương II đã khẳng định giá trị, vai trò quan trọng của quyền con người, quyền cơ bản của công dân, cũng như sự công nhận, tôn trọng và bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Đánh giá việc thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo theo các nghị quyết của QH hàng năm cho thấy, giai đoạn 2005 - 2012 tỷ lệ giảm nghèo cả nước đều đạt và vượt chỉ tiêu, bình quân giai đoạn này, mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,3 – 2,5%. Kết quả giảm nghèo diễn ra ở tất cả các vùng, miền, thành thị và nông thôn trong các nhóm đối tượng. Tuy nhiên, công tác xóa đói giảm nghèo vẫn còn nhiều khó khăn như mức sống của hộ nghèo và hộ cận nghèo chưa có sự khác biệt đáng kể nên nguy cơ tái nghèo cao; tỷ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% số người nghèo cả nước…
Khẳng định vai trò quan trọng của nguồn tài trợ của các nước, các tổ chức quốc tế dành cho Việt Nam, Đại diện Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho biết, nguồn vốn tài trợ đã hỗ trợ hiệu quả trong việc hoàn thiện hệ thống chính sách, tăng cường năng lực thể chế, cải cách hành chính, chuyển đổi nền kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời nhấn mạnh, bên cạnh việc thực hiện quyết liệt các giải pháp về tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đặc biệt là tái cơ cấu hàng sản xuất để tăng năng lực cạnh tranh cho từng ngành và cho toàn nền kinh tế, Việt Nam hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn nữa của Phần Lan về nguồn lực cũng như kỹ thuật và kinh nghiệm nhằm hỗ trợ củng cố vững chắc thành quả đã đạt được.
Đại diện Ủy ban Hỗ trợ phát triển – Cộng hòa Phần Lan đánh giá cao sự trao đổi thẳng thắn, cởi mở của hai ủy ban; liên quan đến đề nghị tiếp túc hợp tác giữa hai bên, đoàn sẽ cân nhắc, tổng hợp và xin ý kiến cấp trên. Ủy ban Hỗ trợ phát triển cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục có sự hợp tác giữa 2 ủy ban, với những quyết sách hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới.