Ukraine một lần nữa 'mơ tưởng' có được Iron Dome
Ukraine đang “hoa mắt” trước màn trình diễn của hệ thống Iron Dome trong cuộc xung đột Israel và Palestine, “ước mơ” sở hữu hệ thống này lại lần nữa sống lại.
Ngày 20/5, hãng thông tấn Sputnik/Nga dẫn báo cáo từ hãng thông tấn Quốc gia Ukraine cho biết, Ukraine đang tìm kiếm những hệ thống tên lửa phòng không mới nhằm nâng cao sức mạnh phòng không trước các mối đe dọa đang ngày càng gia tăng. Bộ Quốc phòng Ukraine hy vọng sẽ mua một hệ thống phòng thủ tên lửa tương tự như hệ thống Iron Dome của Israel.
Những ngày gần đây, hệ thống Iron Dome của Israel đang “làm mưa làm gió” trên thị trường vũ khí quốc tế, sau màn trình diễn “xuất sắc” trong cuộc xung đột Israel – Palestine.
Hệ thống Iron Dome của Israel. Nguồn: Sina. |
Theo báo cáo của Quân đội Israel, khoảng 90% số tên lửa của Palestine đã bị đánh chặn bởi hệ thống "Vòm sắt". Nói cách khác, mặc dù Hamas thường xuyên "nã đạn" vào Israel nhưng thương vong thực tế gây ra là rất hạn chế.
Trước vấn đề này, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andriy Taran mới đây đã đề xuất sáng kiến mua hệ thống phòng không tương tự Iron Dome, nếu được có thể mua luôn Iron Dome của Israel.
Ông nói: "Năm ngoái, chúng tôi đã bắt đầu hành động để xây dựng hệ thống phòng thủ chống tên lửa cho Ukraine. Chúng tôi đang xem xét khả năng mua một thứ tương tự như Iron Dome".
Theo báo cáo, quân đội Ukraine đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng trong những năm gần đây, nhất là việc vũ khí cũ đang dần hỏng hóc nhưng lại không đủ kinh phí để mua sắm vũ khí mới. Để đối phó với điều này, Ukraine tích cực mua vũ khí nước ngoài và nhận hỗ trợ quân sự từ các nước phương Tây.
Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Aytech Bizhev - cựu Phó tổng tư lệnh Lực lượng Không quân Nga, kế hoạch của các chiến lược gia Kiev nhằm mua hệ thống phòng không “Vòm Sắt” chỉ mang tính chất tuyên bố và có thể thành hiện thực theo cách duy nhất. Đó là cách nào?
Thiếu tướng về hưu của Không quân Nga tự tin rằng Kiev sẽ chỉ có thể nhận các hệ thống phòng không của Israel như một món quà, điều này rõ ràng không áp dụng cho các kịch bản thực tế về xây dựng hệ thống phòng không.
Hệ thống phòng không “Vòm Sắt” có chi phí cao và tầm hoạt động ngắn nên một vấn đề nữa đặt ra cho Ukraine “đó là, các quỹ tiền khổng lồ sẽ được yêu cầu để trang trải ngay, tất nhiên, cả ở những cơ sở chiến lược quan trọng nhất của đất nước” - tướng Aytech Bizhev giải thích.
Ông Bizhev cảnh báo: “ Vòm Sắt là một thú vui rất tốn kém. Quá đắt đỏ. Hơn nữa, tên lửa của Nga không “thô sơ và đơn giản” như của Palestine”.
Được biết, ý định mua sắm hệ thống Iron Dome đã được Ukraine cân nhắc từ năm 2014. Trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine khi đó, hệ thống pháo phản lực đa nòng Grad (Mưa đá) từ phía quân ly khai được xem là một vũ khí chủ lực, chuyên pháo kích, phá hủy đáng kể các thiết bị vũ khí, nhân lực của quân đội Kiev.
Hệ thống pháo phản lực Grad được đánh giá là loại vũ khí có sức mạnh khó có thể bị đánh chặn được. Trong khi đó, Iron Dome lại được xem là “khắc tinh” của Grad. Theo Tạp chí Armyrecognition, Iron Dome được thiết kế là một hệ thống phòng thủ di động có hiệu quả để đánh chặn các loại rocket tầm ngắn như Grad và các mối đe dọa của các hệ thống pháo 155 mm với phạm vi lên tới 70 km trong mọi điều kiện thời tiết, kể cả có mây, mưa, bão bụi hay sương mù.
Hệ thống Iron Dome gồm có 20 ống phóng tên lửa Tamir, trang bị các cảm biến điện tử với đầu đạn đặc biệt có thể phá hủy bất kỳ mục tiêu nào trong không trung trong thời gian chỉ tính bằng giây. Nếu có trong tay loại tên lửa Iron Dome, quân đội Ukraine có thể sẽ trấn áp đáng kể các đợt pháo kích bằng Grad từ phía quân ly khai.
Số phận ‘3 chìm 7 nổi’ của tiêm kích đình đám F-22
Máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-22 đình đám của Mỹ đang đứng trước hai lựa chọn khó là sẽ tiếp tục phục vụ hay loại biên trong tương lai 10 năm sau.
Đức Trí (lược dịch)