Ukraine có thể giành lại Crimea từ Nga vào tháng 12?
Chia sẻ trong bài phỏng vấn với Sky News hôm 19/11, ông Gavrilov cho biết cái gọi là “thiên nga đen” ám chỉ một sự kiện bất ngờ và khó lường, có thể mang lại chiến thắng cho Ukraine.
“Tôi nghĩ rằng Nga có thể đối mặt với thiên nga đen ở trong chính đất nước của họ, và điều này có thể góp phần vào chiến thắng của chúng tôi ở Crimea bên cạnh phương án quân sự cũng như một số dạng kết hợp giữa các lực lượng, nguồn lực và nhiều điều khác’, ông Gavrilov nói.
“Chúng tôi có thể tiến vào Crimea mà có thể là vào cuối tháng 12. Có khả thi không? Có thể. Không thể loại trừ khả năng này”, ông Gavrilov nói thêm.
Khi được hỏi về cái gọi là “thiên nga đen” có thể xảy ra trong những tháng tới, ông Gavrilov cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể “không xuất hiện vì một vài lý do như thể chất hoặc chính trị”, hoặc dư luận Nga trở nên “không hài lòng” về tình hình chiến sự.
Đưa ra nhận định giống với tuyên bố trước đây của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thứ trưởng Gavrilov cho biết Kiev sẽ nối lại đàm phán với Nga “chỉ khi nào họ sẵn sàng rời khỏi lãnh thổ của chúng tôi”.
Thể hiện sự lạc quan trước khả năng Ukraine có thể thay đổi tình hình, ông Gavrilov nhận định “Tôi nghĩ vào cuối mùa xuân tới, xung đột sẽ chấm dứt”.
Bán đảo Crimea đã sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga vào năm 2014 sau cuộc trưng cầu dân ý của người dân địa phương.
Vào tháng Bảy năm nay, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nhấn mạnh việc “Ukraine và các nước NATO” từ chối công nhận bán đảo Crimea thuộc lãnh thổ Nga nên bị xem là mối đe dọa.
Vào đầu tháng 10, Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng cùng 2 vùng Zaporozhye và Kherson của Ukraine cũng đã tiến hành trưng cầu dân ý và quyết định sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga.
Hồi tuần trước, các binh sĩ Nga đã rút khỏi Kherson trước mối lo ngại quân đội Ukraine có thể phá hủy một đập thủy điện gần đó dẫn tới tình trạng ngập lụt và cướp đi tính mạng của nhiều binh sĩ, cũng như dân thường.
Trước đó, vào tháng Chín, Tổng thống Putin khẳng định Moscow sẽ bảo vệ các vùng lãnh thổ mới bằng “toàn bộ lực lượng và phương tiện mà Nga có”.
Cũng trong ngày 19/11, chia sẻ trên Telegram, ông Medvedev cho rằng phương Tây đang ngày càng mệt mỏi với Tổng thống Ukraine Zelensky và đang “thúc ép” Kiev đàm phán với Moscow.
Theo ông Medvedev, Mỹ và NATO không muốn mạo hiểm trước một cuộc chiến tranh mới của thế giới.
Ông Medvedev nhấn mạnh vụ tên lửa rơi trúng ngôi làng Przewodow của Ba Lan vào ngày 15/11 khiến 2 dân thường thiệt mạng cho thấy ngay cả “những người bài Nga mạnh mẽ nhất” là Ba Lan cũng từ chối đổ lỗi cho Moscow.
Hôm 18/11, Warsaw đã gọi vụ không kích là “tai nạn không may” và “thực tế không thể” ngăn chặn được. Trong khi đó, Kiev vẫn liên tục đổ lỗi cho Moscow gây ra vụ việc, dù quân đội Nga cho biết không thực hiện bất cứ vụ không kích nào gần biên giới Ukraine và Ba Lan vào thời điểm đó.
Hình ảnh tại hiện trường cũng cho thấy tên lửa rơi xuống ngôi làng của Ba Lan là tên lửa phòng không S-300 của quân đội Ukraine.
“Mỹ, NATO và Liên minh châu Âu (EU) không muốn cắt đứt hoàn toàn với Nga, và dấy lên nguy cơ xảy ra chiến tranh thế giới thứ ba. Do đó, nỗ lực thường xuyên của họ là nhằm kiềm chế Ukraine và thúc ép nước này tiến hành đàm phán”, ông Medvedev cho biết.
Nhận định của ông Medvedev được đưa ra trong bối cảnh một số chính trị gia hàng đầu của phương Tây như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhiều lần kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Kiev và Moscow.
Những báo cáo gần đây cũng cho thấy Washington đã bí mật thúc ép Ukraine từ bỏ ý định từ chối đàm phán hòa bình với Nga. Hồi tuần trước, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho rằng một chiến thắng quân sự cho Ukraine là khó có thể đạt được, và giai đoạn mùa đông có thể là cơ hội để Kiev bắt đầu đàm phán với Moscow.
Hoảng hồn nhìn người đàn ông say rượu ngã từ trên cao xuống nóc ô tô
Quan chức nước ngoài đối mặt án tù 145 năm vì buôn lậu động vật quý hiếm vào Mỹ
Minh Thu (lược dịch)