Tuyên truyền nâng cao nhận thức là "lá chắn" phòng, chống mua bán người
Ngày 9/3, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm; phòng, chống AIDS; phòng, chống tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Tuyên Quang (Ban Chỉ đạo tỉnh) ban hành kế hoạch số 02/KH-BCĐ thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người năm 2020.
Theo đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp, các ngành, đoàn thể tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo về phòng, chống mua bán người; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, thực hiện đồng bộ các giải pháp, tăng cường hợp tác quốc tế để ngăn chặn, kiềm chế hoạt động tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh. Làm tốt công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người; thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, đảm bảo quyền và lợi ích của nạn nhân.
Thực hiện tổng kết công tác phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh; tham gia nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025.
Đa phần nạn nhân của tội phạm mua bán người là phụ nữ trẻ. (Ảnh minh họa) |
Một số chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2020 đề ra là: Tổ chức tuyên truyền về phòng, chống mua bán người tại 100% xã, phường, thị trấn đã xảy ra tội phạm mua bán người; ít nhất 30% số xã thuộc địa bàn trọng điểm (địa bàn có nhiều vụ việc xảy ra, có nhiều nạn nhân bị mua bán trở về hoặc có nhiều nguy cơ) có mô hình chuyên sâu về phòng ngừa mua bán người; 75% người dân tại các địa bàn trọng điểm, tập trung vào nhóm tuổi từ 14 - 60 tuổi, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em được tiếp cận các thông tin, có kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người, kỹ năng xử lý các tình huống phù hợp.
100% tuyến, địa bàn trọng điểm được áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn; 100% thông tin liên quan đến tội phạm mua bán người chuyển đến cơ quan có thẩm quyền được phân loại, xử lý và các trường hợp có dấu hiệu tội phạm được xác minh theo quy định pháp luật; đạt 95% số vụ án mua bán người được truy tố và xét xử trên tổng số vụ do Viện kiểm sát, Tòa án thụ lý; so với năm 2019 tăng 02% tỷ lệ khởi tố, điều tra các vụ án mua bán người trên tổng số các vụ việc được phát hiện.
100% các trường hợp đã tiếp nhận được tiến hành các thủ tục xác minh, xác định nạn nhân, được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật; 100% nạn nhân và người thân thích có nhu cầu được bảo vệ an toàn theo quy định của pháp luật.
100% các văn bản hướng dẫn thực hiện Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), phần có liên quan đến tội phạm mua bán người, bảo vệ nạn nhân được triển khai thực hiện nghiêm túc.
100% các văn bản hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người đã ký được sơ kết, tổng kết theo định kỳ và có kế hoạch thực hiện giai đoạn tiếp theo.
Căn cứ theo Kế hoạch ban hành, thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, Ban Chỉ đạo huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện nghiêm nội dung của kế hoạch; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành theo Quyết định số 01/QĐ-BCĐ ngày 30/10/2014.
Ban Chỉ đạo cũng giao Công an tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch; định kỳ tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh theo quy định.
Công an xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên tuyên truyền cho người dân về phòng, chống tội phạm mua bán người. (Ảnh: Báo Tuyên Quang) |
Nói về tội phạm mua bán người, Thượng tá Nguyễn Hoàng Long, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tuyên Quang khẳng định: Mua bán người là loại hình tội phạm đặc biệt nguy hiểm bởi những hệ lụy lâu dài đối với bản thân nạn nhân và toàn xã hội. Qua công tác đấu tranh cho thấy, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người diễn biến ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Hầu hết các vụ án mua bán người xảy ra đều có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong và ngoài nước. Bọn chúng lợi dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook… để tiếp cận, làm quen với “con mồi”, là những phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, có mâu thuẫn trong quan hệ gia đình, ít hiểu biết về pháp luật, nhẹ dạ, cả tin; thanh niên không có việc làm hoặc những trẻ em gái mới lớn, hiểu biết hạn chế, ham chơi, đua đòi. Nạn nhân đa số là người dân tộc thiểu số sống ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Thực tế hiện nay, nhiều người dân còn thiếu việc làm, đời sống khó khăn, nhất là những thanh niên, học sinh khi học xong THPT không đi học chuyên nghiệp mà có xu hướng ra thành phố, thị trấn tìm việc làm. Lợi dụng đặc điểm đó, bọn tội phạm mua bán người đã sử dụng nhiều thủ đoạn để lừa gạt “con mồi” bằng vỏ bọc làm quen, vờ yêu, khi chiếm được lòng tin của nạn nhân, đối tượng hứa hẹn cùng nhau đi lao động có thu nhập cao, để bán sang Trung Quốc. Những phụ nữ, em gái có nhan sắc bị ép làm gái mại dâm, làm vợ bất hợp pháp hoặc lao động cưỡng bức tại cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Đặc điểm chung, những kẻ trong đường dây mua bán người đã từng có thời gian làm việc, sinh sống bên Trung Quốc, do có sự lôi kéo, rủ rê của đối tượng bên Trung Quốc, rồi nảy sinh mưu đồ về nước thực hiện hành vi phạm tội.
Vài năm trở lại đây, số vụ án mua bán người có chiều hướng giảm, tuy nhiên, tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp. Bởi các nguyên nhân mất cân bằng giới tính, tình trạng xuất cảnh lao động trái phép, thiếu việc làm... Vì thế, để ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người, song song với công tác đấu tranh xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân, để mỗi người không mắc bẫy trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.