Tự chủ đại học không phải là cắt ngân sách nhà nước
Tự chủ đại học là xu thế tất yếu cần phải làm. Thời gian qua, việc thí điểm tự chủ đối với hơn 20 trường đại học đã tháo gỡ nhiều vướng mắc về quản lý nhà nước, quản lý của bộ chủ quản, hoạt động của các trường đã tốt lên. Tuy nhiên, việc thực hiện các cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng còn rất chậm. Hầu hết các trường đại học tự chủ bị cắt giảm ngân sách nhà nước nên dù các trường vẫn duy trì được hoạt động, thậm chí tốt hơn nhưng chưa đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là nghiên cứu khoa học.
Nhiều người hiểu tự chủ đại học là không còn ngân sách Nhà nước đầu tư mà trường phải tự túc về kinh phí. Đó là quan điểm sai lầm.
Ảnh minh họa. |
Cũng liên quan đến tự chủ đại học thì có lẽ tài chính là vấn đề khiến không ít trường “đau đầu”. Tuy nhiên, TS Đặng Quang Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (GDĐH) Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, Luật GDĐH “không có điểm nào nói tự chủ là cắt hoàn toàn sự hỗ trợ của Nhà nước, không phải giao tự chủ là Nhà nước sẽ bỏ rơi”, mà chỉ là thay đổi cách thức phân bổ ngân sách theo đơn đặt hàng. Do đó, các trường sẽ phải tự khẳng định mình để xây dựng thương hiệu, cạnh tranh lành mạnh với nhau.
Tuy nhiên, TS Việt cũng nhấn mạnh đến ba thách thức lớn mà các trường phải đối mặt sau khi luật được thông qua để nhận được hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước. Trước hết, các trường phải đổi mới năng lực quản trị để tận dụng có hiệu quả nhất các nguồn lực về đội ngũ, cơ sở vật chất, tài chính. Đồng thời, các trường phải xây dựng cơ chế nội bộ, vị trí việc làm, cơ cấu tổ chức để vận hành cho hiệu quả.
Bên cạnh đó, bản thân các trường phải tăng cường trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm trước xã hội, cơ quan quản lý và người học. “Tự chủ không có nghĩa là các trường muốn làm gì thì làm. Tự chủ nhưng phải trong khuôn khổ của pháp luật, các trường phải chịu sự giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước.
Hiện có nhiều trường “rất run” khi được giao tự chủ. Lý do là những tiêu chuẩn trước khi giao tự chủ được Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm soát và cấp phép cho, nhưng khi đã giao tự chủ có nghĩa các trường được tự làm, nếu không đúng tiêu chuẩn thì bị xử lý. Hơn hết, các trường phải xây dựng thương hiệu của mình bởi vì chỉ khi có thương hiệu nhà nước mới đặt hàng.
Thực tế tự chủ nhưng vai trò đầu tư của Nhà nước vẫn quan trọng, bởi vì thực tế chỉ là thay đổi phương thức cấp ngân sách. Điều quan trọng nhất là cơ chế tự chủ gắn với phân bổ kinh phí phải thúc đẩy các cơ sở giáo GDĐH năng động hơn, cạnh tranh bình đẳng, giao kinh phí dựa vào năng lực thực sự, sáng tạo của cơ sở giáo dục đại học.
GS Võ Tòng Xuân cho biết, tự chủ ĐH không phải Nhà nước dứt kinh phí nhà trường hoàn toàn mà vẫn quản lý ở phạm vi nhất định. Ví dụ như phần chi ngân sách của Nhà nước vẫn tiếp tục được cấp qua các đơn đặt hàng đào tạo đối với các ngành nghề xã hội cần, còn cơ chế quản lý tài sản thì đã có hội đồng trường gắn với trách nhiệm công khai, minh bạch.
Đại học chúng ta hiện nay cần phải năng động hơn, từ chương trình đào tạo cho tới nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Thực tế chương trình đại học của nhiều trường đại học trên thế giới ít hơn ta rất nhiều, thời gian học của sinh viên được rút ngắn lại, thay vào đó là thời gian tự học, tự nghiên cứu và trải nghiệm thực tế. Ông thầy đại học không chỉ “ôm” giáo trình để dạy mà phải ra xã hội để xem họ cần gì, từ đó cập nhật kiến thức mới nhất bổ sung vào quá trình giảng dạy.
Giống như ở nước ngoài, đại học danh tiếng là đại học ngoài công lập. Họ tự chủ về mọi mặt, tạo dựng thương hiệu từ chương trình đào tạo cho tới công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
Nhà trường, giảng viên cùng sinh viên không chỉ dạy, học, nghiên cứu mà còn tham gia các dự án, các nghiên cứu của doanh nghiệp và các tổ chức. Họ làm việc này vừa có nguồn tài chính để phục vụ phát triển trường, vừa có kinh nghiệm thực tế và bổ sung vào giáo trình, cập nhật những kiến thức mới nhất…