Trường tư tuyên truyền sáng tạo cho học sinh về sử dụng mạng xã hội an toàn
Lãnh đạo trường TH, THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết thời gian qua nhà trường đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sử dụng không gian mạng an toàn tới toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Tại các buổi tuyên truyền, khi giáo viên đưa ra câu hỏi, có rất nhiều cánh tay đã giơ lên, các bạn nhỏ rất hào hứng trả lời câu hỏi liên quan đến an toàn không gian mạng. Thông qua đây, giáo viên đã cung cấp thêm thông tin cho các em học sinh về những hậu quả khôn lường hay hệ lụy đến từ việc sử dụng mạng xã hội không đúng cách. Chỉ một nút like, 1 cái chia sẻ khi chưa kiểm chứng thông tin cũng đủ để gây hại cho người khác và chính mình.
Đồng thời nhà trường còn tổ chức ký cam kết đến từng chi đoàn, chi đội, phát tài liệu có nội dung tuyên truyền, xây dựng các phóng sự, tin, bài về sử dụng mạng xã hội an toàn đăng tải trên các website, fanpage Facebook và Zalo của nhà trường.
Chị Nguyễn Minh Anh - phụ huynh nhà trường cho biết: “Tôi nhận thấy đây là những thông tin rất cần thiết và mang ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay vì các con dùng mạng xã hội hằng ngày nhưng đa số bố mẹ lại không có kỹ năng giám sát cũng như định hướng con tham gia không gian mạng.
Đối với trẻ em khi xảy ra vấn đề nhỏ nhưng không chia sẻ, không được thấu hiểu sẽ trở thành vấn đề lớn. Do đó việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cần được bản thân mỗi học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo và toàn xã hội đặc biệt quan tâm”.
Thời gian qua, Trường TH, THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng thành lập câu lạc bộ lý luận trẻ, gồm các học sinh, giáo viên yêu thích lý luận chính trị và mời tham gia làm cộng tác viên cho mô hình mạng xã hội an toàn, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, cuộc thi tìm hiểu về sử dụng mạng xã hội an toàn.
Cùng với đó là tổ chức biểu diễn tiểu phẩm tuyên truyền về vấn đề an ninh mạng, triển khai tới 100% học sinh các chi đoàn, chi đội giới thiệu các tấm gương “Người tốt, việc tốt” tuyên truyền trên trang fanpage của nhà trường.
Các hoạt động cụ thể bao gồm dán pano, áp phích, tờ rơi liên quan đến sử dụng mạng xã hội an toàn, tổ chức các cuộc thi online trên mạng xã hội bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao cảnh giác, đấu tranh với các luận điệu sai trái, khích lệ tinh thần ham hiểu biết, học hỏi và tư duy sáng tạo của học sinh....
Học sinh cũng được trang bị kỹ năng như nên đổi mật khẩu cho các tài khoản online để tránh lộ các thông tin quan trọng. Ngoài ra, nếu học sinh bị rơi vào bẫy của một vụ tấn công mạng hay lừa đảo, hãy thông báo cho bạn bè có liên quan để không là nạn nhân tiếp theo.
Hoàng Thanh