Trường học Quảng Ninh trang bị cho học sinh kỹ năng dùng mạng xã hội an toàn
Internet mang lại cho trẻ em một nguồn tài nguyên khổng lồ để phục vụ quá trình học tập và giải trí cũng như khả năng kết nối, chia sẻ thông tin rộng khắp. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn tới một thực trạng rủi ro khi các hình thức lừa đảo, mã độc, những thông tin xấu độc đang ngày một gia tăng và trở nên tinh vi hơn khiến ngay cả những người trưởng thành cũng khó có thể xác định được cái gì là an toàn và cái gì là không an toàn. Vì vậy, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đang là một chủ đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm.
Thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã từng bước chú trọng giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng sử dụng mạng hiệu quả, an toàn để giúp cho học sinh tránh được mặt trái trên thế giới mạng. Ví dụ điển hình là Trường THCS Lê Văn Tám (Hạ Long, Quảng Ninh) đã tổ chức diễn đàn “Sử dụng mạng xã hội an toàn, nói không với bạo lực học đường”.
Tại diễn đàn này, các em học sinh đã được hướng dẫn tìm hiểu nhiều nội dung về sử dụng mạng xã hội sao cho đúng như: bảo mật thông tin cá nhân, nhận biết các thủ đoạn lừa đảo qua mạng, ứng xử văn minh trên mạng.
Ngoài ra, học sinh còn được học cách quản lý thời gian, mục đích sử dụng và những nguy hiểm, hệ lụy đối với cuộc sống và học tập của bản thân khi sử dụng mạng xã hội không đúng cách. Đây đều là những nội dung rất thiết thực đối với các em học sinh đang trong độ tuổi bắt đầu tiếp cận, sử dụng mạng xã hội.
Lãnh đạo Trường THCS Lê Văn Tám nhắn nhủ tới các em học sinh rằng mạng xã hội là môi trường ảo nhưng cuộc sống của chúng ta là thật, vì vậy làm việc gì cũng cần suy nghĩ, cân nhắc. Với học sinh tham gia mạng xã hội, một khi thấy vấn đề nóng được nhiều người chia sẻ thì cần tỉnh táo, nghiên cứu kỹ nội dung, tính chất sự việc. Không nên xem qua tiêu đề, hùa theo đám đông mà dễ bị các phần tử xấu lợi dụng.
Hãy tự chịu trách nhiệm với những hành động của mình, dù đó là môi trường thực hay môi trường mạng. Trước khi muốn chia sẻ bất cứ điều gì trên mạng xã hội, các em nên suy nghĩ kỹ hoặc nếu cảm thấy cần thiết có thể trao đổi với thầy cô, cha mẹ để suy nghĩ liệu nội dung đó sẽ được hiểu như thế nào.
Học sinh cần học cách xác định thời điểm chia sẻ thông tin khi sử dụng mạng xã hội, không nên chia sẻ khi tâm lý đang không ổn định như giận dữ, thất vọng hoặc bị kích động.
Những khi học sinh gặp vấn đề nên chia sẻ với thầy cô, bạn bè, gia đình hoặc những người xung quanh để có cách giải quyết trực tiếp và phù hợp hơn. Các em không chỉ cần kiểm soát thông tin cá nhân, các nội dung theo dõi trên mạng mà cũng cần có kỹ năng sống khác là kiểm soát cảm xúc và cách thể hiện của bản thân.
Hoàng Thanh