Trưởng công an xã lái xuồng cứu trăm người trong lũ dữ, bỏ nhà ngập hỏng hết
Khi mưa lũ ập tới, Thiếu tá Nguyễn Văn Hoành, Trưởng Công an xã Tân Lâm Hương (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) trở thành 'người lái đò bất đắc dĩ', hối hả đi cứu hộ và sơ tán hàng trăm người già cả, ốm đau đến nơi an toàn.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hoành cùng đồng đội đi ứng cứu người dân ở khu vực ngập sâu. (Ảnh do Công an cung cấp) |
"Người lái đò bất đắc dĩ"
Trong đợt lũ lịch sử vừa qua ở Hà Tĩnh, huyện Thạch Hà là 1 trong 2 địa phương chịu nhiều thiệt hại, trong đó xã Tân Lâm Hương bị nặng nề nhất. Hàng ngàn ngôi nhà bị ngập sâu, nhiều tài sản, gia súc bị lũ cuốn trôi, phải sơ tán hàng trăm ngàn người đến nơi an toàn.
Tân Lâm Hương là một xã lớn của huyện Thạch Hà với khoảng 4.000 dân và gần 18.000 nhân khẩu. Khi mưa to kéo dài, nước lũ dâng nhanh, huyện Thạch Hà giao lực lượng công an, quân sự chủ công trong công tác cứu hộ cứu nạn, phải đưa toàn bộ các hộ dân có nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn, tránh xảy ra thiệt hại về người.
Hai thôn bị ngập nặng nhất xã Tân Lâm Hương là thôn Tiền Thượng và Sơn Trình, chỗ ngập sâu nhất khoảng 3m. Vì thế, quá trình triển khai lực lượng ứng cứu, phải di dời hầu như toàn bộ người dân đi trú tránh.
Phương tiện chủ yếu để di chuyển lúc này là thuyền. Xã được trang bị chiếc xuồng máy để cứu hộ người dân, nhưng không ai được huấn luyện để điều khiển phương tiện đặc biệt này. Suy tính bàn bạc, cuối cùng xã quyết định trưởng công an xã phụ trách việc lái thuyền. Thiếu tá Hoành trở thành "người lái đò bất đắc dĩ".
Trao đổi với PV Infonet, Thiếu tá Nguyễn Văn Hoành chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên ở quê hương Thạch Hà, tôi cũng trải qua nhiều trận lũ lụt rồi. Trong quá trình công tác, tôi cũng nhiều lần tham gia cứu hộ, cứu trợ, nhưng chưa bao giờ trải qua những khoảng khắc đáng nhớ như thời gian vừa qua. Cơn lũ này lớn và nhanh quá. Hơn nữa, yêu cầu phải đưa toàn bộ dân đến nơi an toàn, tránh xảy ra thiệt hại nên rất áp lực.
Bản thân tôi từ trước tới nay chưa khi nào lái xuồng. Khi hạ xuồng không có ai lái cho nên phải đánh liều. Theo nguyên tắc của ngành là sai nhưng trong tình thế cấp bách, không còn cách lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, cũng không khó khăn gì, điều khiển một lúc thì quen.
Do nước dâng rất nhanh nên khi chúng tôi đến, có những ngôi nhà đã ngập đến gần mái. Gọi mãi không được, chui vào thì thấy nhà có 2 người già ốm yếu, bệnh tật. Cụ ông bị tai biến, còn cụ bà bất lực trước dòng lũ. 2 cụ nằm trên gác xép chờ cứu hộ trong tình cảnh sức tàn lực kiệt.
Lúc ấy chúng tôi rối lắm, loay hoay suy nghĩ xem đưa ông bà ra bằng cách nào? Xuồng thì không chui vào được. Nếu lội xuống bế ông ra thì sẽ ướt, cụ mà dính nước rất dễ bị ốm nặng hơn. Cuối cùng, chúng tôi phải quay ra gọi thuyền tôn nhỏ, chui vào trong phòng bế ông xuống. Mấy anh em người trước người sau vừa bơi vừa kéo ông bà ra thuyền to rồi đưa đi”.
Cũng theo lời kể của Trưởng Công an xã Tân Lâm Hương, trong quá trình trực chiến, Ban Công an xã nhận được rất nhiều cuộc gọi đề nghị đưa người đi cấp cứu, đặc biệt là trường hợp cháu bé khoảng 2 tuổi ở thôn Mỹ Triều. Lúc đó khoảng 21h đêm, anh em lần mò mãi mới đưa được bé ra đường và huy động xe chở đến bệnh viện huyện.
Mặc dù đã được tôi luyện, nhưng dường như tình huống xuồng đi vào vùng nước xoáy chưa thôi ám ảnh cán bộ công an xã đầy nhiệt huyết này. Anh kể: “Sau khi nhận lệnh của chỉ huy, chúng tôi bê xuồng qua đường tránh thành phố Hà Tĩnh, đoạn Cầu Phủ 2, để đi xuống thôn Sơn Trình cứu hộ người dân.
Khi vừa chạm nước, do chảy xiết nên xuồng bị lũ cuốn trôi xuống dưới xa. Tay lái xuồng không điều khiển được, anh em phải dùng sào chống hỗ trợ và đón được 10 cụ.
Đón xong các cụ thì khởi động máy xuồng không nổ nữa, trong nước xoáy, anh em phải bám vào cây cối để giữ xuồng lại. Đến khi khởi động được máy, đưa xuồng thoát ra khỏi khu vực nước xoáy thì người dân lại gọi vào cứu 2 ông bà già đang mắc kẹt, sợ trôi.
Lúc này bỏ đi thì không được, mà quay trở vào cũng rất nguy hiểm. Với mệnh lệnh từ trái tim, anh em quyết định vật lộn với lũ dữ, quay lại đón 2 ông bà đi cùng.
Đón được 2 cụ thì lại thêm nỗi lo mới. Xuồng thì đầy người (12 cụ cùng 3 anh em cứu hộ) mà phải di chuyển trong tình huống nước chảy rất mạnh nên chúng tôi không thể trở về đường cũ do ngược dòng. Thế là mấy anh em quyết định đi vòng về phía bên kia. Lúc này, trưởng huyện đợi mãi không thấy quay về, điện thoại thì không liên lạc được khiến mọi người lo lắng, bất an như ngồi trên đống lửa. Đến khi thấy chúng tôi về an toàn, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm”.
Mặc dù “bất đắc dĩ” trở thành "người lái đò" nhưng Thiếu tá Nguyễn Văn Hoành đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tình huống nguy nan.
Sau khi lũ rút bớt, nhớ lại những giây phút đối mặt với tử thần nguy nan, đồng chí, đồng đội và một số người dân đã cảm phục, gọi anh bằng một cái tên trìu mến: Người lái đò trên sông Tân Lâm Hương.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hoành, Trưởng Công an xã Tân Lâm Hương (huyện Thạch Hà) được đồng chí, đồng đội và một số người dân gọi một cách trìu mến: Người lái đò trên sông Tân Lâm Hương. (Ảnh do Công an cung cấp) |
Nhà ngập, tài sản hư hỏng
Ký ức về trận lũ lịch sử dường như chưa hề phai nhạt, anh Hoành bồi hồi khi nói về gia đình. Vì trách nhiệm cứu dân nên anh đành “phó mặc” tổ ấm của mình cho người vợ trẻ và những đứa con thơ tự xoay xở.
Nơi anh ở thuộc khối phố 2 phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh), cũng là “nạn nhân” của cơn lũ vừa qua. Đây là khu vực trũng nhất của phường, nằm cuối khúc cua của dòng sông Phủ nên tất cả hệ thống xả lũ đều đổ thẳng vào đó.
Trận lũ vừa rồi nhà anh bị ngập sâu gần 1m. Vợ anh bận con nhỏ nên chỉ thu xếp được những thứ thiết yếu; còn xe máy, tủ lạnh, máy giặt bị chìm hoàn toàn trong nước lũ; bàn ghế, giường tủ trôi nổi trong nhà.
“Cứ nghĩ như lụt năm 2010 nên tôi gọi điện về nhờ bác họ đánh xe ô tô ra để ngoài QL1A. Tưởng đoạn đó cao, ai dè nước vẫn vào sàn, phải đưa đi sấy”, Thiếu tá Hoành cho biết thêm.
Chia sẻ với PV Infonet về đợt lụt vừa qua ở Thạch Hà, bà Bùi Thị Hoàng Oanh, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Trưởng đoàn công tác chỉ đạo xã Tân Lâm Hương cho hay: “Tân Lâm Hương là địa bàn rộng lớn, theo khảo sát có hơn 4.000 hộ dân với gần 18.000 nhân khẩu.
Trong đợt lũ này, Tân Lâm Hương là xã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của toàn huyện. Theo ước tính, toàn huyện thiệt hại trên 800 tỷ đồng, trong đó xã Tân Lâm Hương gần 400 tỷ”.
Cũng theo bà Oanh, lo lắng dòng lũ dữ sẽ cuốn trôi tất cả, không kể ngày đêm hay tình huống nguy hiểm, lực lượng công an chính quy ở các xã đều tập trung tới địa bàn, cùng cấp ủy chính quyền giúp dân kê gác, di dời tài sản, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
“Trong những ngày bão lũ, mỗi ngày, cứ 3-4h chiều thì lực lượng công an chính quy mới được ăn cơm trưa, thậm chí nhiều khi phải ăn tạm mì tôm sống, lương khô ngay trên thuyền. Buổi tối họ gần như trắng đêm phải trực ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp”, bà Oanh xúc động kể.
Nói về Thiếu tá Hoành, bà Oanh đánh giá, với vai trò là Trưởng Công an xã Tân Lâm Hương đã rất chủ động và nhiệt tình, trách nhiệm cao. Bất chấp điều kiện thời tiết, Thiếu tá Hoành đã trực tiếp lái xuồng đưa hơn 200 người ra vùng sơ tán, chở bệnh nhân cấp cứu, phụ nữ chuyển dạ, trẻ bị sốt cao đến bệnh viện kịp thời...
Hà Tĩnh: Mưa lớn, đường sạt lở 'hố tử thần', dân lo sập nhà
Do mưa lớn kéo dài và xảy ra trên diện rộng, tuyến đường giao thông ở huyện Đức Thọ và mặt kè âu thuyền ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) bị sạt lở nghiêm trọng.
Hà Tĩnh: Nhiều chủ khách sạn giúp người dân vùng lũ đến ăn ở miễn phí
Do mưa kéo dài, hồ Kẻ Gỗ xả lũ lưu lượng lớn, nhiều ngôi nhà ở TP Hà Tĩnh và khu vực lân cận ngập sâu trong nước. Trước tình hình đó, nhiều ông chủ khách sạn đã đón nhận người dân vùng lũ đến lưu trú miễn phí.
Trần Hoàn