Theo đó, ông Hưởng phân tích, sẽ có hai kịch bản đối với diễn biến của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão.
- Thứ nhất (khả năng cao): ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão sẽ di chuyển lên phía Bắc và đi vào đất liền khu vực Trung Quốc (xác suất khoảng 50-60%). Đây là kịch bản thời tiết xấu chủ yếu diễn ra trên Biển Đông.
- Thứ hai: ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão sẽ có thể đổi hướng về phía Tây và di chuyển vào khu vực đất liền nước ta (xác suất khoảng 40-50%). Với diễn biến này, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão sẽ ảnh hưởng tới đất liền vào khoảng ngày 17-19/7 và gây ra một đợt mưa lớn ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.
Tuy nhiên, theo ông Hưởng, diễn biến của ATNĐ còn nhiều sự thay đổi do chịu tác động bởi nhiều hình thái thời tiết.
"Trong 24 giờ tới, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão sẽ gây gió mạnh cấp 6-7 và mưa giông lớn trên khu vực phía Bắc Biển Đông. Cấp độ gió mạnh sẽ có khả năng tăng thêm phụ thuộc vào diễn biến cường độ bão", ông Hưởng nhấn mạnh.
Trước đó, cơ quan khí tượng cũng dự báo, trong giai đoạn nửa cuối tháng 7 và đầu tháng 8, có khoảng 2-3 cơn ATNĐ/bão hoạt động trên Biển Đông. Cụ thể, khoảng 15-20/7, khả năng xuất hiện các nhiễu động trên dải hội tụ nhiệt đới và phát triển thành ATNĐ/bão trên Biển Đông.
Ngoài ra, khu vực phía Nam Biển Đông đang chịu tác động mạnh của gió mùa Tây Nam ở cấp 6, giật cấp 8. Trong thời gian tới, khu vực này (bao gồm vùng biển Trường Sa cũng như vùng biển từ Bình Thuận - Cà Mau) có gió Tây Nam mạnh cấp 6-7, sóng lớn, biển động mạnh.
Theo hướng dẫn của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, để chủ động ứng phó với ATNĐ các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành liên quan cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi cũng như sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu…
Bảo Anh