Trung Quốc ngăn thảo luận về Biển Đông tại Hội nghị Á – Âu
ASEM sẽ hội nghị ngoại giao đa phương quan trọng đầu tiên sau khi Tòa trọng tài theo Phụ lục VII ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
ASEM năm 2016 sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 14/7, tại Mông Cổ. Hội nghị sẽ có sự tham gia của nhiều quan chức cấp cao châu Á và châu Âu, trong đó có Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Đức Angela Merkel...
Một chiếc tàu Cảnh sát Biển của Trung Quốc đang chặn đầu một chiếc tàu của Việt Nam tại khu vực chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 210 km hồi tháng 5/2014. |
Ông Khổng Huyễn Hữu (Kong Xuanyou), Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc, cho rằng các vấn đề liên quan tới Biển Đông "sẽ không được chào đón" tại ASEM mặc dù đây là nơi thảo luận các vấn đề ở châu Á và châu Âu.
Ông này nói: “Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEM không phải là nơi phù hợp để thảo luận về Biển Đông. Không nên thảo luận về vấn đề này trong chương trình nghị sự của hội nghị".
Mặc dù Trung Quốc liên tục gây hấn với các nước láng giềng, quân sự hóa Biển Đông, gây bất ổn cho khu vực, nhưng ông Khổng lại cho rằng, tình hình Biển Đông căng thẳng bởi sự can thiệp và phô trương lực lượng của các nước ngoài khu vực.
Ông này còn khăng khăng: “Không thể lấy lý do về tự do hàng hải hay các lợi ích an ninh để đưa vấn đề Biển Đông vào hội nghị ASEM”.
Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao khác của Bắc Kinh tham gia vào việc chuẩn bị ASEM cho rằng, không thể tránh khỏi việc những tranh chấp Biển Đông sẽ được thảo luận ở hội nghị. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dự kiến sẽ tham dự hội nghị này.
Trung Quốc luôn nói sẽ không tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII. Sát ngày tòa án ra phán quyết, Trung Quốc liên tục gia tăng những hành động gây căng thẳng cho khu vực như tập trận quy mô lớn với phạm vi bao trùm cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Hôm nay (11/7), Bắc Kinh còn tuyên bố đã hoàn thành việc xây dựng trái phép ngọn hải đăng thứ 5 tại 5 thực thể ở quần đảo Trường Sa Việt Nam.
4 hải đăng ở đá Châu Viên, Gạc Ma, Subi, Chữ Thập đang được sử dụng, còn hải đăng tại đá Vành Khăn sắp đi vào hoạt động.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Reuters của Anh, một trong những hãng tin lớn nhất thế giới.