Trung Quốc lôi kéo liên minh bào chữa tranh chấp trên Biển Đông
Theo tờ Want China Times, chính quyền Bắc Kinh đã đầu tư nguồn tài chính cho Đại học Nam Kinh để tiến hành nghiên cứu các vấn đề Biển Đông. Với nguồn kinh phí trên, Đại học Nam Kinh đã cho thành lập Trung tâm Đổi mới hợp tác nghiên cứu Biển Đông. Ngoài Trung Quốc, 5 nước Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền trên vùng biển chiến lược đạt giá trị thương mại 5 ngàn tỷ USD/năm này.
Trong đó, ông Zhu Feng, Giáo sư tại Trường Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc trung tâm, còn người đứng đầu Viện Nghiên cứu Biển Đông quốc gia Trung Quốc, ông Wu Shicun giữ chức phó Tổng giám đốc.
Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Tư Nghĩa, rạn san hô ở cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. |
Cụ thể, Bắc Kinh đã mời học giả các nước nghiên cứu vụ việc Philippines gửi đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan, hồi năm 2013. Vụ kiện này liên quan tới những tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước trên Biển Đông.
Ngoài ra, mới đây, giới chức quốc phòng Mỹ cho hay Washington có thể sắp triển khai tàu chiến vào trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hoạt động này có thể diễn ra trong hai tuần tới. Tuy nhiên, kế hoạch phái tàu chiến đến áp sát các đảo nhân tạo của Trung Quốc cần phải được Tổng thống Barack Obama phê chuẩn.
Want China Times cho hay Trung tâm Đổi mới hợp tác nghiên cứu Biển Đông sẽ cho triển khai 10 chương trình nghiên cứu phân tích những tranh chấp chủ quyền trên vùng biển chiến lược của giới học giả nước ngoài.
Theo ông Wu, phó Tổng giám đốc Trung tâm Đổi mới hợp tác nghiên cứu Biển Đông, Bắc Kinh có thể thuyết phục giới học giả Đài Loan công nhận những đặc quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Song, xét theo thời điểm hiện tại, mong muốn của Trung Quốc khó có thể trở thành hiện thực.
Để tăng khả năng lôi kéo sự ủng hộ, ông Wu nhấn mạnh Trung Quốc chào đón sinh viên Đài Loan tới học bằng thạc sĩ, tiến sĩ và các khóa đào tạo ngắn hạn tại Trung tâm Đổi mới hợp tác nghiên cứu Biển Đông do Bắc Kinh thành lập. Giới học giả Trung Quốc nhận định những lợi ích song phương trên Biển Đông có thể mở ra cơ hội hợp tác giữa Bắc Kinh và Đài Bắc cũng như xóa bỏ những bất đồng trong hệ thống lãnh đạo giữa hai eo biển.
Trước đó, hồi tháng 10 năm ngoái, Trung tâm này đã tổ chức một số hoạt động xuyên eo biển Đài Loan liên quan tới vấn đề Biển Đông như trại hè ở thành phố Nam Kinh thuộc tỉnh Giang Tô. Mới đây, tại thành phố Đài Bắc của Đài Loan từ ngày 7 – 8/10, Trung tâm còn là một trong những nhà tổ chức hội thảo về tiến trình phân xử vụ kiện tranh chấp chủ quyền Biển Đông đang diễn ra ở The Hague, Hà Lan.
Sáng kiến tổ chức cuộc hội thảo trên xuất phát từ thực tế trong vài tuần tới, PCA sẽ đưa ra những phán quyết đầu tiên liên quan tới việc Philippines kiện Trung Quốc xâm chiếm chủ quyền Biển Đông. Dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), PCA sẽ quyết định liệu tấm bản đồ "đường chín đoạn" của Trung Quốc có hợp pháp hay không. Trước đó, Philippines và Trung Quốc là hai nước tham gia ký kết UNCLOS.
Theo UNCLOS, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) là vùng biển mở rộng của các quốc gia ven biển hay của quốc gia quần đảo, nằm bên ngoài và tiếp giáp với lãnh hải. Vùng biển này có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở, ngoại trừ những chỗ mà các điểm tạo ra đó gần với các quốc gia khác. Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia sở hữu có đặc quyền khai thác và sử dụng các tài nguyên biển. Nó là một trong các vùng mà quốc gia có quyền chủ quyền.
Trong khi đó, bản đồ "đường chín đoạn" phi lý của Trung Quốc chỉ được xác lập dựa trên toàn bộ những bằng chứng lịch sử mà Bắc Kinh đơn phương công bố và bao gồm cả những thực thể mà Trung Quốc tự nhận là hòn đảo.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Want China Times, trang web tin tức bằng tiếng Anh của Tập đoàn truyền thông China Times (Đài Loan). Want China Times được thành lập vào năm 2010, chuyên cung cấp các thông tin về cộng đồng quốc tế đặc biệt về Trung Quốc và Đài Loan.