Trung Quốc khai mạc hội nghị về Biển Đông với 10 quốc gia ASEAN
Theo AP, đây là lần đầu tiên Trung Quốc chủ trì một cuộc họp về tình hình Biển Đông trong bối cảnh Mỹ tuyên bố lên kế hoạch tuần tra 12 hải lý quanh các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép trên vùng biển chiến lược. Ngoài Trung Quốc, 4 nước trong khối ASEAN là Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei cùng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Cuộc họp chính thức giữa các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN sẽ được diễn ra sau hội thảo Xiangshan. Đây là nơi để các nhà phân tích, quân sự và chuyên gia thế giới thảo luận về tình hình an ninh, hàng hải và chống khủng bố ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Hình ảnh Trung Quốc cải tạo trái phép tại bãi đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi tháng Năm. |
"Trung Quốc muốn sử dụng các cuộc hội thảo trên để bày tỏ quan điểm, giải thích chính sách đồng thời cải thiện hình ảnh nền an ninh của Trung Quốc", chuyên gia an ninh Li Mingjiang tại Đại học Kỹ thuật Nanyang ở Singapore nhận định.
Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã đẩy mạnh xây dựng trái phép đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm và đảo san hô thuộc chủ quyền của các quốc gia láng giềng trên Biển Đông. Thậm chí, Bắc Kinh còn xây các tòa nhà và đường băng nhằm hiện thực hóa âm mưu đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Đáp trả hành động ngang ngược của Trung Quốc, hồi tuần trước, một quan chức giấu tên Lầu Năm Góc cho hay Hải quân Mỹ sẽ sớm tiến hành tuần tra 12 hải lý gần các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông. Kế hoạch của Washington đã nhận được sự ủng hộ từ Philippines.
Nếu Mỹ thực hiện kế hoạch trên, đây sẽ là lần đầu tiên Washington can thiệp trực tiếp vào những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc và là lời khẳng định Mỹ không công nhận hành động ngang nhiên của Bắc Kinh.
Các quốc gia đồng minh của Mỹ bao gồm Philippines nhấn mạnh những hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc đang đe dọa sự ổn định và đẩy khu vực vào cuộc chạy đua vũ trang.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc với một số quốc gia ASEAN không ít lần dậy sóng. Điển hình, ngoài hành động xâm chiếm và cải tạo trái phép một số hòn đảo nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hồi năm ngoái, Trung Quốc còn ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố cuộc họp với các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại bắc Kinh sẽ tạo cơ hội thúc đẩy "niềm tin chiến lược và hợp tác thực tế". Theo đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tướng Thường Vạn Toàn sẽ tổ chức các cuộc họp với những người đồng cấp ASEAN.
Song theo chuyên gia Li, "Do cuộc họp được tổ chức tại Bắc Kinh, các nước sẽ khó có thể đưa ra quan điểm phản đối Trung Quốc xâm chiếm Biển Đông. Ngoài ra, các quốc gia thành viên ASEAN cũng đang thiếu sự đoàn kết để đối phó với Trung Quốc".
Với ngân sách chi tiêu quốc phòng đứng hàng thứ hai trên thế giới, quân đội Trung Quốc đặc biệt là lực lượng hải quân, được đánh giá có sức mạnh tấn công hùng mạnh. Theo đó, Trung Quốc sẽ sớm cho triển khai các tàu sân bay và nhanh chóng hiện đại hóa tàu khu trục, tên lửa hành trình cùng tàu ngầm hạt nhân.
Trong cuộc diễu binh quy mô lớn hồi tháng Chín, Bắc Kinh cũng đã cho trình làng những loại tên lửa mới có khả năng tấn công nhiều mục tiêu như tàu thuyền và căn cứ của Hải quân Mỹ hoạt động ở châu Á – Thái Bình Dương.