Trung Quốc đề xuất tập trận chung trên Biển Đông để ngăn Mỹ can thiệp
Phát biểu trước các Bộ trưởng Quốc phòng tới từ 10 quốc gia thành viên ASEAN trong phiên họp thượng đỉnh ở Bắc Kinh hôm 16/10, Trung Quốc đã đề xuất tổ chức tập trận chung trên Biển Đông với các quốc gia Đông Nam Á nhằm tránh nguy cơ đối đầu cũng như nâng cao công tác cứu hộ và cứu nạn.
"Trung Quốc và các quốc gia ASEAN sẽ tổ chức tập trận chung nằm trong khuôn khổ "Bộ quy tắc về các vụ đụng độ không báo trước trên biển" (CUES), cũng như một cuộc diễn tập cứu trợ thảm họa và cứu nạn trên biển vào năm 2016 trên khu vực Biển Đông", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh không nêu chi tiết nội dung của các cuộc tập trận chung.
Trung Quốc đề xuất tập trận chung trên Biển Đông sau khi Mỹ tuyên bố kế hoạch tuần tra 12 hải lý quanh các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. |
Theo tạp chí The Diplomat, đề xuất tổ chức tập trận chung trên Biển Đông cho thấy Trung Quốc muốn chứng tỏ là một quốc gia có trách nhiệm ở vùng biển chiến lược. Bởi hiện tại, một số quốc gia trong khối ASEAN có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông đang đặc biệt quan ngại trước hành động Trung Quốc ngang nhiên xâm chiếm, cải tạo và xây dựng trái phép hàng loạt hòn đảo nhân tạo mà khả năng phục vụ mục đích quân sự.
Ngoài ra, cuộc tập trận chung sẽ là cái cớ để Bắc Kinh ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài trước những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đặc biệt sau khi Mỹ tuyên bố lên kế hoạch tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Về phần mình, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh cho rằng cuộc tập trận chung trên Biển Đông giữa Trung Quốc – ASEAN thể hiện mong muốn "giải quyết tranh chấp một cách hợp lý và tránh rủi ro xung đột".
Tuy nhiên, ẩn ý đằng sau đề xuất của Trung Quốc lại là điều khiến giới chuyên gia quan ngại. Theo Diplomat, thứ nhất, cuộc tập trận chung là một phần trong chiến lược "gia tăng quyết đoán" của Trung Quốc trên Biển Đông. Cụ thể, dù đề xuất tổ chức tập trận chung, Trung Quốc dường như vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng các cơ sở quân sự trên đảo nhân tạo bất chấp hành động này vi phạm cam kết "phi quân sự hóa" trên Biển Đông mà nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố trong cuộc gặp mới đây với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Hành động này cũng vi phạm những quy tắc trong "Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông "(DOC) mà Trung Quốc đã ký kết với các nước ASEAN hồi năm 2002.
Thứ hai, tập trận chung trên Biển Đông không còn là ý tưởng mới mẻ hay độc nhất của Trung Quốc. Cụ thể, đề xuất của Bắc Kinh được đưa ra sau khi một vài quốc gia như Mỹ và Nhật Bản từng bàn thảo về các cuộc tập trận chung với từng nước thành viên ASEAN. Giới chức Philippines cũng từng nhấn mạnh cuộc tập trận chung hải quân giữa Philippines – Nhật Bản trên Biển Đông, là một sự kiện gắn liền với CUES, nghị định thư do hải quân các nước Tây Thái Bình Dương bao gồm Trung Quốc đưa ra hồi năm ngoái. Do đó, đề xuất của Trung Quốc về việc tổ chức các cuộc tập trận chung trên Biển Đông được xem là một động thái mang tính chủ động nhằm giới hạn sự can thiệp ngày càng lớn từ cộng đồng quốc tế trước những tranh chấp chủ quyền trên vùng biển chiến lược.
Thứ ba, đề xuất tập trận chung của Trung Quốc cũng chỉ được giới hạn trong phạm vi phi an ninh. Khi mà cả tuyên bố của phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tướng Thường Vạn Toàn khẳng định cuộc diễn tập chú trọng tới nội dung cứu hộ trên biển và đối phó thiên tai. Đây không phải là những vấn đề quan trọng. Do đó, mối quan hệ quốc phòng giữa Trung Quốc và các nước ASEAN vẫn còn phải đối mặt nhiều thách thức do những bất đồng vì thiếu lòng tin.
Thứ tư, chưa rõ liệu đề xuất của Trung Quốc sẽ tiến triển như thế nào trong năm tới và liệu cuộc tập trận chung trên Biển Đông sẽ giúp chấm dứt những căng thẳng an ninh trong khu vực. Theo các chuyên gia về quan hệ Trung Quốc – ASEAN, trong 3 năm qua, Bắc Kinh đã đưa ra một danh sách dài những đề xuất giúp thắt chặt quan hệ với láng giềng như "khuôn khổ hợp tác 2 + 7" cho tới "đề xuất 10 điểm". Trong đó, một số kế hoạch đã được đẩy nhanh tiến độ hiện thực hóa còn không ít đề xuất dường như bị lãng quên. Không loại trừ, các cuộc tập trận mới trên Biển Đông cũng sẽ chỉ là chiến lược nằm trong khuôn khổ "kế hoạch 5 điểm mới" nhằm tăng cường quan hệ an ninh Trung Quốc – ASEAN.
"Nếu những quốc gia có lợi ích trên Biển Đông có thể làm dịu căng thẳng và giải quyết xung đột, sẽ không cần các bên khác tham gia giải quyết tranh chấp chủ quyền", ông Ryacudu chia sẻ trên Antara News.
Nhưng trên thực tế, quan điểm giữa các nước ASEAN hiện cũng khác nhau và bất đồng với Bắc Kinh. Chia sẻ với Reuters, một quan chức hải quân cấp cao Philippines nhấn mạnh đề xuất tổ chức tập trận chung là cơ hội để chứng minh những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông không nhằm phục vụ mục đích quân sự.
"Thật tốt, nếu Trung Quốc mở cửa những hòn đảo nhân tạo, cho chúng tôi neo đậu tàu thuyền và ghé thăm đảo", vị quan chức Philippines nói.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.