Trung – Nhật: Càng cần nhau, càng ''ghét' nhau?
Du lịch - Giải pháp xoa dịu căng thẳng quan hệ Trung - Nhật
Hồi tháng trước, Nhật Bản đã cấp 79.000 thị thực (visa) du lịch nhóm tới Trung Quốc đại lục. Trong đó, hơn 30.000 visa cá nhân đã được phê duyệt. Tổng số visa được cấp này đã tăng gấp 10 lần so với tháng 1/2013.
Trung Quốc - Điểm đến của nhiều du khách nước ngoài bao gồm người dân Nhật Bản |
Trong bài xã luận mang tựa đề "Tăng trưởng du lịch có thể hàn gắn rạn nứt quan hệ Trung – Nhật", tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng tại Hồng Kông nhận định hoạt động đổ tiền của Nhật Bản vào Trung Quốc sẽ giúp xoa dịu những giao tranh căng thẳng địa chính trị giữa Tokyo và Bắc Kinh.
Trung Quốc giành lãnh thổ của láng giềng
Tuy nhiên, hiện nay, Trung Quốc vẫn là nhân tố chính gây ra tình trạng bất ổn trong khu vực. Trong đó, quốc gia này vẫn đơn phương tuyên bố chủ quyền trên nhiều vùng lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của các quốc gia láng giềng cũng như bất hợp tác trong việc sử dụng những vùng biển chung.
Điển hình, cuối tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh đã đơn phương tuyên bố thiết lập "Vùng nhận diện phòng không" trên biển Hoa Đông, vốn vi phạm các quy tắc tự do hàng không và xâm lấn vào không phận do Nhật Bản và Hàn Quốc kiểm soát.
Máy bay giám sát của Nhật Bản hoạt động trên không phận quần đảo tranh chấp với Trung Quốc Senkaku/Điếu Ngư thuộc biển Hoa Đông |
Thậm chí, Trung Quốc còn áp đặt nhiều quy định có hiệu lực ngay từ đầu năm nay nhằm hỗ trợ pháp lý cho các cuộc tập trận bảo vệ chủ quyền trên lãnh hải quốc tế thuộc Biển Đông.
Đỉnh điểm, ngay đầu năm nay, Tướng Trung Quốc Liu Yazhou đã công khai cổ động quân đội tổ chức tấn công giành lãnh thổ vốn thuộc quyền kiểm soát của các nước láng giềng.
Đây chính là lý do, nguy cơ xảy ra chiến tranh được các nhà lãnh đạo trong khu vực đưa ra thảo luận trong nhiều cuộc họp. Trả lời câu hỏi của giới báo chí tại Davos hồi tháng Một, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ví mối quan hệ căng thẳng hiện tại giữa Tokyo và Bắc Kinh như tình hình Anh và Đức cách đây 100 năm.
Trong tháng này, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng đã so sánh nỗ lực tuyên bố chủ quyền tại các khu vực tranh chấp trên Biển Đông của Trung Quốc với hành động chiếm đoạt vùng đất Sudetenland mà Đức quốc xã tiến hành vào năm 1938.
Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thực hiện chuyến công du tới châu Á trong hy vọng kiềm chế Trung Quốc và tái khẳng định hỗ trợ cho các quốc gia đồng minh và bạn bè trong khu vực. Tuy nhiên, sứ mệnh của ông Kerry dường như không đạt được thành công như mong đợi.
Giao dịch thương mại Trung - Nhật giảm mạnh năm 2013
Giới quan sát từng nhận định tình trạng "chính trị băng giá và nền kinh tế nóng" là yếu tố gây chia rẽ châu Á. Ngày nay, tình trạng này vẫn đang ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất khu vực châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản.
Khối lượng giao dịch thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong năm 2013 đã giảm 5,1% so với năm 2012. Trong khi đó, tổng giao dịch thương mại của Trung Quốc đã tăng 6,2% trong năm 2012 và 7,6% trong năm 2013. Nhật Bản ghi nhận khối lượng giao dịch thương mại tăng 1% vào năm 2012 nhưng giảm mất 7,8% trong năm 2013.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng số lượng giao dịch thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản giảm mạnh là do “cuộc chiến tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông”. Thậm chí, người dân Trung Quốc còn tẩy chay các mặt hàng do Nhật Bản sản xuất.
Người dân Trung Quốc đập phá ô tô do Nhật Bản sản xuất |
Truyền thông nhà nước Trung Quốc nhận định giao dịch thương mại giữa hai nước chịu ảnh hưởng lớn từ những bất đồng địa chính trị và đổ lỗi cho những chính sách cứng rắn mà Thủ tướng Shinzo Abe thi hành.
Hiện nay, hoạt động đầu tư giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Trong năm ngoái, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Trung Quốc cũng đã giảm 4,3% mặc dù tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc tăng 5,3%. Cùng thời điểm, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Nhật Bản đã giảm 23,5% mặc dù tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc tăng 16,8%.
Giới chuyên gia nhận định số liệu giao dịch thương mại giảm mạnh trong năm 2013 đã phản ánh phần nào mối quan hệ xuống dốc trầm trọng giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Ông Song Zhiyong – một quan chức thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết: “Chính phủ Trung Quốc đặc biệt chú trọng tới việc giành quyền kiểm soát quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Do đó, các công ty Trung Quốc buộc phải cân nhắc về những áp lực và nguy cơ bất ổn hoạt động trước khi đầu tư vào Nhật Bản”.
Lời giải thích của ông Song về tình trạng suy giảm khoản đầu tư của Trung Quốc vào Nhật Bản là hoàn toàn chính xác. Song, việc giải thích nguyên nhân khiến số lượng nhà đầu tư Nhật Bản tiến vào thị trường Trung Quốc giảm mạnh còn phức tạp hơn. Nhưng rõ ràng, mức chi phí trả cho nhân công Trung Quốc tăng cao để tăng sản lượng đã khiến các doanh nghiệp Nhật Bản vốn cần tuyển dụng số lượng lao động đông đảo, chuyển hướng đầu tư sang khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, hiện nay, một nguy cơ phi kinh tế mới là yếu tố lớn chi phối mối quan hệ Trung - Nhật.
“Căng thẳng chính trị là lý do chính khiến khoản đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc giảm mạnh trong năm 2013”, chuyên gia Yao Haitian công tác tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc nói.
Theo dự đoán của ông Yao, quan hệ Trung - Nhật sẽ còn diễn biến theo chiều hướng xấu hơn trong năm 2014.
Dự đoán của ông Yao là hoàn toàn có cơ sở. Hiện nay, CNOOC Ltd – một công ty quốc doanh của Trung Quốc đang lên kế hoạch tăng cường khai thác khí gas trên biển Hoa Đông cũng như mở rộng nhiều khu vực khai thác mới. Thậm chí, những địa bàn này còn nằm gần trữ lượng tài nguyên mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền. Đây chính là lý do khiến cuộc chiến tranh chấp chủ quyền lãnh hải suốt một thập niên qua giữa Trung – Nhật ngày càng thêm sâu sắc.
Ngoài ra, giới chức Trung Quốc cũng sẽ tận dụng đòn bẩy kinh tế để giành lấy những mục tiêu địa chính trị với Nhật Bản. Thậm chí, những quy định khắt khe về môi trường đầu tư và lao động của Trung Quốc cũng sẽ tác động lớn tới quyết định đầu tư của giới doanh nghiệp vào Nhật Bản.
Song không thể phủ nhận xu hướng tăng cường hoạt động du lịch tới Trung Quốc của Nhật Bản đang giúp cải thiện mối quan hệ giữa hai nước. Điển hình, năm 2012 đánh dấu một giai đoạn tăng trưởng ngắn trong hội nhập kinh tế Trung – Nhật.