Trồng nấm rơm trên bông vải và bột cưa
Anh Nguyễn Duy Hưng – Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng và Kinh doanh nấm Bình Thạnh (Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã thực hiện thành công mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Do nguồn nguyên liệu rơm ngày càng khan hiếm, giá thành cao vì nhiều nơi phát triển chăn nuôi trâu bò và phục vụ vận chuyển dưa hấu nên anh Hưng nghĩ ra cách tận dụng mùn cưa thải ra sau khi trồng nấm bào ngư và linh chi ở gia đình kết hợp với bông vải thải để trồng nấm rơm. “Cách làm này vừa tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường”, anh Hưng chia sẻ.
Mô hình trồng nấm rơm trên bông vải và bột cưa thải của anh Nguyễn Duy Hưng. |
Để chủ động meo giống và nâng cao chất lượng sản phẩm, anh Hưng không mua meo giống ở các nơi khác mà tiến hành nuôi cấy mô. Cách làm này cũng đã giúp anh Hưng tiết kiệm được khá nhiều chi phí trong đầu tư. Còn về nguyên liệu bông vải thải thì mỗi ngày nhà máy dệt ở Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi thải ra rất nhiều.
Chia sẻ về kỹ thuật trồng nấm rơm, anh Hưng tiết lộ: "Có nhiều cách trồng nấm rơm như trồng trong nhà, ngoài đồng ruộng. Thế nhưng, để tiết kiệm diện tích và dễ chăm sóc thì nên đưa lên kệ. Xung quanh kệ phải che chắn bạt cho kín gió và lắp đặt hệ thống tưới phun. Đồng thời, nước dùng để tưới nấm cũng phải là nguồn nước sạch, không được nhiễm phèn, nhiễm mặn...". Bên cạnh đó, nhiệt độ thích hợp trong mô phải từ 35 – 40 độ C. Để tạo nhiệt độ cho mô nấm thì phải phủ bạt khoảng 4 – 5 ngày. Sau khi cấy mô khoảng 12 ngày thì nấm sẽ ra quả và đến 15 ngày là thu hoạch được. Thời gian nấm ra quả cần thường xuyên tưới nước để nấm phát triển tốt. Đối với một mẻ nấm, người trồng có thể thu hoạch được nhiều lần. Tuy nhiên, những lần thu hoạch sau năng suất sẽ không đạt bằng lần đầu do lượng chất dinh dưỡng nuôi nấm đã giảm sút.
Sản phẩm nấm rơm được trồng trên bông vải và bột cưa thải của anh Hưng hiện rất được nhiều người ưa chuộng. Với giá bán 70 nghìn đồng/kg nấm rơm đối với những ngày bình thường và 140 nghìn đồng/kg đối với ngày rằm, mùng một, dịp Tết thì quả thật nấm rơm là nghề “một vốn bốn lời”. “Sắp tới tôi sẽ mở rộng mô hình trồng nấm rơm này và tiếp tục trồng thử nghiệm một số loại nấm “khó tính” khác để cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm nấm sạch, chất lượng”, anh Hưng cho biết.
Bài, ảnh: HỒNG HOA/Báo Quảng Ngãi