Trời lạnh và nỗi lo của người bị viêm phổi tắc nghẽn mãn tính
Vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ lạnh sang nóng hoặc ngược lại, người bệnh rất dễ bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn, gây nên tình trạng viêm phổi hoặc viêm long đường hô hấp trên và là yếu tố làm khởi phát một đợt cấp của bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
Đã 3 năm kể từ ngày bác sỹ chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), anh Lê Hoàng Kiên, ở Xuân Đỉnh, Hà Nội phải “sống chung” với những cơn ho, khó thở và đau tức ngực khi làm việc gắng sức.
Anh Kiên cho biết, từ khi biết mình bị bệnh thì anh đã bỏ thuốc lá và thay đổi lối sống để hạn chế bệnh tái phát. Tuy vậy, mỗi năm bệnh tái phát 3-5 lần, đặc biệt là khi trời lạnh, làm việc nặng, mất ngủ hoặc cơ thể suy nhược do lo lắng, suy nghĩ nhiều.
Tương tự, bác Nguyễn Xuân Minh, ở Cam Giá, Thái Nguyên cũng có tiền sử mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhiều năm nay. Cách đây 2 ngày, do thời tiết thay đổi nên bác có biểu hiện khó thở tăng dần, ho khạc đờm xanh, không sốt. Ở nhà dùng thuốc theo đơn ngoại trú không đỡ nên gia đình đưa bác vào viện cấp cứu và được các bác sĩ chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đợt cấp.
Bác sĩ Ngô Thanh Hải, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là trong mùa lạnh, bệnh nhân rất dễ nhiễm các loại virus và vi khuẩn gây viêm đường hô hấp trên và dưới, làm tăng tình trạng co thắt phế quản, tăng dịch nhầy trong đường hô hấp do đó bệnh nhân bị khó thở nặng hơn.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, COPD gây tử vong đứng hàng thứ 4, dự kiến đến năm 2020, bệnh này sẽ nằm trong top 3, chỉ đứng sau bệnh tim mạch và nhồi máu cơ tim.
Các nghiên cứu cho thấy, bệnh COPD có liên quan đến yếu tố môi trường. Mặc dù có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến mắc COPD, trong đó có yếu tố cơ địa người bệnh và các yếu tố do tiếp xúc thường xuyên từ môi trường bên ngoài.
Theo đánh giá của các nghiên cứu, khói thuốc lá, thuốc lào có liên quan nhiều nhất đến tỷ lệ mắc COPD. Nghĩa là những người nghiện thuốc lá, thuốc lào và thường xuyên tiếp xúc (hút thụ động) là nguy cơ hàng đầu gây COPD. Tiếp đến là các yếu tố nguy cơ từ môi trường trong đó môi trường sống, làm việc nhiều khói bụi và hóa chất nghề nghiệp với thời gian dài, cường độ mạnh thì có thể dẫn đến COPD và khi có thêm khói thuốc lá thì tiến triển của bệnh càng nặng hơn.
Các ghi nhận cho thấy, nhịp sống đô thị đông đúc, nhiều khí thải khu công nghiệp ô nhiễm không khí, môi trường không chỉ có nguy cơ mắc COPD mà còn có hại cho người bệnh tim và phổi. Với vùng nông thôn thì khói bụi của chất đốt than, củi, rơm... nơi ở thông gió kém cộng với tình trạng có hút thuốc lá, thuốc lào sẽ có nguy cơ cao gây COPD. “Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính phải được quản lý liên tục, dài hạn. Nếu không, bệnh sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và chất lượng công việc”, các chuyên gia y tế khuyến cáo.
Để phòng ngừa bệnh COPD trong mùa lạnh, các chuyên gia y tế khuyến cáo cách tốt nhất là không hút thuốc lá, thuốc lào, tránh khói bụi, tạo môi trường sống và làm việc trong lành; Giữ gìn sức khỏe, giữ ấm vào mùa lạnh; Tiêm vaccine phòng cúm, phòng phế cầu để ngăn ngừa đợt cấp; Cải thiện tình trạng dinh dưỡng: ăn nhiều bữa nhỏ, đủ chất dinh dưỡng…
Nếu có các biểu hiện ho liên tục, thường xuyên khạc đờm vào buổi sáng, tình trạng ho, khó thở nặng dần theo thời gian... thì nên đến bệnh viện sớm để được các bác sĩ thăm khám, phát hiện sớm COPD và điều trị kịp thời.
Theo khuyến cáo, người bệnh COPD rất tiêu tốn năng lượng cho quá trình hô hấp gấp 5-10 lần người bình thường. Vì vậy cần có một chế độ dinh dưỡng tốt để duy trì sức khỏe. Không được thừa cân hay suy dinh dưỡng vì đều ảnh hưởng đến mức độ tàn tật của bệnh.
Người bệnh COPD cũng được khuyến nghị nên ăn những thức ăn có chứa đạm như sữa, cá, trứng, thịt và đậu nành. Thường xuyên ăn cá, dầu thực vật, hạn chế các chất béo có nguồn gốc từ thịt.
Cần ăn nhiều hoa quả tươi, rau xanh... và hạn chế ăn những thức ăn cải muối, thức uống có gas. Người bệnh COPD không nên ăn quá no, không nên uống nước trước và trong bữa ăn… Hằng ngày, cần uống đủ nước, theo khuyến cáo người bệnh cần uống trung bình khoảng 1,5 lít nước/ngày để giúp loãng đờm tốt nhất và tránh bị mệt.
Tiến Quang