Triều Tiên lần đầu tài trợ 300.000 USD cho quốc gia nào?
Là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nhưng lần đầu tiên sau 16 năm, Triều Tiên đã chuyển 300.000 USD cho Liên Hợp Quốc để hỗ trợ Myanmar.
Dữ liệu của Liên Hợp Quốc (LHQ) cho thấy, Bình Nhưỡng mới đây đã chuyển khoản hỗ trợ tài chính trị giá 300.000 USD cho Myanmar trong khuôn khổ sáng kiến hỗ trợ nhân đạo do LHQ đứng đầu. Đây là khoản tài trợ tài chính cho nước ngoài đầu tiên sau 16 năm kể từ năm 2005 được Triều Tiên thực hiện.
Hôm 17/6, dữ liệu từ dịch vụ theo dõi tài chính của Văn phòng Điều phối Các vấn đề nhân đạo LHQ cho hay, chính phủ Triều Tiên đã đáp lại lời kêu gọi hỗ trợ tài chính từ LHQ.
Lần đầu tiên sau 16 năm, Triều Tiên chuyển khoản tài trợ 300.000 USD cho LHQ để hỗ trợ Myanmar. (Ảnh: KCNA) |
Sáng kiến của LHQ nhằm hỗ trợ cho Myanmar, quốc gia đang rơi vào cảnh xung đột sau cuộc đảo chính hồi tháng Hai. LHQ mong muốn các nhà tài trợ sẽ quyên góp được số tiền 276 triệu USD. Trong khi Triều Tiên chuyển số tiền 300.000 USD, thì Pháp chỉ đóng góp 302.663 USD. Điều đáng nói, gần một nửa trong số tiền đóng góp 51 triệu USD mà LHQ nhận được cho tới nay đến từ Mỹ.
Trong đó, Triều Tiên đã thực hiện chuyển tiền cho LHQ vào ngày 24/5. Vào năm 2005, Triều Tiên từng chuyển 150.000 USD cho chương trình của LHQ sau thảm họa sóng thần vào tháng 12/2004 gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho các nước Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Maldives, Sri Lanka và Thái Lan.
Triều Tiên được biết là quốc gia có mối quan hệ lâu đời với Myanmar. Theo các quan chức LHQ, Bình Nhưỡng đã bán vũ khí cho Myanmar trong những năm gần đây. Hai nước còn cùng đầu tư vào hợp tác phát triển tên lửa.
Chính phủ Myanmar bị lật đổ vào tháng Hai sau cuộc đảo chính của quân đội nước này. Kể từ đó, các cuộc xung đột liên tiếp bùng nổ ở quốc gia Đông Nam Á này và khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Triều Tiên hiện là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Mới đây, chủ trì phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên vào ngày 15/6, Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố nền kinh tế nước này đã được cải thiện trong năm nay. Song ông cũng kêu gọi cần có những biện pháp đối phó với tình hình lương thực “căng thẳng” do tác động của đại dịch Covid-19 và các cơn bão trong năm qua.
Một số báo cáo cho hay giá bán thực phẩm ở Triều Tiên đã tăng phi mã. Thậm chí, giá 1 kg chuối ở nước này đã tăng lên thành 45 USD.
Hồi tháng Một, ông Kim cũng từng bất ngờ thừa nhận kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm cũ đã thất bại trên mọi phương diện do ảnh hưởng từ tình trạng thiếu điện trầm trọng, thiếu lương thực vì tác động của các lệnh trừng phạt quốc tế, đại dịch và lũ lụt.
Một viện nghiên cứu của Hàn Quốc nhận định Bình Nhưỡng có thể bị thiếu tới 1,35 triệu tấn lương thực trong năm nay.
Còn theo Viện Phát triển Hàn Quốc, Triều Tiên được cho đã sản xuất được khoảng 4,4 triệu tấn lương thực trong năm 2020, giảm từ con số 240.000 tấn trong năm 2019.
Tướng Mỹ: Triều Tiên là 'mối đe dọa thực sự'
Tướng Austin nhấn mạnh Triều Tiên đang tạo ra mối đe dọa gia tăng đối với Mỹ và các nước đồng minh.
Minh Thu (lược dịch)