Triều Tiên gấp rút chuẩn bị thử nghiệm hạt nhân lần nữa?
Các chuyên gia Joseph Bermudez, Jack Liu và Frank Pabian, những người thuộc tổ chức nghiên cứu tình hình Triều Tiên 38 North nhận định rằng dựa trên ảnh chụp vệ tinh thu được, “rất nhiều hoạt động liên tục” đang diễn ra tại trung tâm Punggye-ri.
Punggye-ri được đào sâu vào lòng núi Mantap của Triều Tiên, và là nơi 6 cuộc thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng từ năm 2006 đến nay, lần gần đây nhất là vào tháng 9 vừa qua.
Triều Tiên đang chuẩn bị đào hầm, chuẩn bị cho cuộc thử nghiệm hạt nhân tiếp theo. |
“Mặc dù núi Mantap luôn xảy ra các trận động đất nhẹ kể từ sau cuộc thử hạt nhân mới nhân, hoạt động đào hầm tại Punggye-ri vẫn được tiếp tục”, các chuyên gia cho biết. “Những hoạt động này diễn ra tại cổng phía Tây của trung tâm, như vậy cổng phía Bắc đang tạm thời bị bỏ hoang. Cổng phía Tây đã có rất nhiều hoạt động liên tục”.
Các hoạt động mà họ đề cập đến gồm có sự vào ra của công nhân và xe tải, xe goòng các loại, điều này cho thấy Triều Tiên đang tiếp tục đào hầm. Trước đó vào tháng 11 ba chuyên gia trên cũng đưa ra báo cáo có nội dung tương tự, bao gồm “các thiết bị, xe goòng và vật liệu được di chuyển qua lại” quanh khu vực cổng phía Tây. Điều này cho thấy hoạt động đào hầm của Triều Tiên đã diễn ra trong vòng 5 tuần qua.
Cổng phía Tây nằm cách cổng phía Bắc vài trăm mét. Cổng phía Bắc là địa điểm mà cuộc thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên vào tháng 9 được tiến hành và đã gây ra hai trận động đất lớn. Trận động đất đầu tiên xảy ra ngay sau vụ nổ, còn trận động đất thứ hai được cho là do một đoạn hầm thử nghiệm trong núi đã sập. Các trận động đất này có thể ảnh hưởng đến núi Paektu, một ngọn núi thiêng đối với lịch sử bán đảo Triều Tiên và là biểu tượng của đất nước Triều Tiên.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cổng phía Bắc đã bị bỏ hoang do tổn hại mà nó phải chịu đựng từ cuộc thử nghiệm hạt nhân tháng 9, có sức công phá mạnh nhất từ trước tới nay. Có người lo sợ khu vực này đã bị nhiễm xạ nặng.
Ông Ryan Barenklau, giám đốc của trung tâm nghiên cứu Strategic Sentinel cho biết: “Quần thể Punggye-ri giờ đây rất dễ sụp đổ sau hàng loạt chấn động xảy ra trong lòng núi, buộc Triều Tiên phải đào hầm mới. Cổng phía Tây rất có thể sẽ trở thành địa điểm thử nghiệm hạt nhân tiếp theo trong tương lai”.
Tuy vậy ông Barenklau tin rằng quá trình chuẩn bị sẽ phải mất khoảng 1 năm hoặc lâu hơn. “Hai cuộc thử nghiệm hạt nhân trước đây đã diễn ra cách nhau một năm. Hoạt động đào lòng núi sẽ phải mất thời gian và chúng ta không thể khẳng định chắc chắn mức độ hư hại của ngọn núi hiện nay”.