Triển khai cuộc thi 'Vì cuộc sống không thuốc lá cho trẻ em Việt Nam'
Cuộc thi tìm kiếm những bài viết chia sẻ các câu chuyện từ cá nhân, gia đình và cộng đồng để lan tỏa thông điệp về phòng chống tác hại của thuốc lá đặc biệt là các loại thuốc lá mới.
Triển khai cuộc thi “Vì cuộc sống không thuốc lá cho trẻ em Việt Nam” |
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), công tác Phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) trên Thế giới tuy đạt được tiến bộ nhưng sự xuất hiện của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có nguy cơ lôi cuốn giới trẻ vào con đường sử dụng thuốc lá một cách dễ dàng hơn và rộng rãi hơn. Đặc biệt với trẻ gái vị thành niên.
Ở Việt Nam, trong khi tỷ lệ hút thuốc lá ở người trưởng thành có xu hướng giảm trong 10 năm qua (theo số liệu Bộ Y tế) song nguy cơ lan tràn thuốc lá thế hệ mới trong giới trẻ ngày một tăng. Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế năm 2020, tỷ lệ hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35%, ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%.
Hưởng ứng Ngày Thế giới Không Thuốc lá 31/05/2021, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25/05 đến ngày 31/05, và thực thi cam kết của Liên minh Phòng chống Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) đồng hành với các tổ chức bảo vệ lợi ích y tế công cộng, Liên minh NCDs-VN hân hạnh phối hợp với Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không Thuốc lá (CTFK) và Tổ chức Y học Cộng đồng tổ chức cuộc thi “Vì cuộc sống không thuốc lá cho trẻ em Việt Nam”.
Cuộc thi nhằm tạo phong trào xây dựng các sản phẩm truyền thông khoa học, chất lượng, hiệu quả, từ đó lan tỏa thông điệp cảnh báo về tác hại trầm trọng của thuốc lá và thuốc lá thế hệ mới, thúc đẩy tiếng nói cộng đồng để bảo vệ thanh thiếu niên khỏi các sản phẩm thuốc lá độc hại này.
Cuộc thi tìm kiếm những bài viết chia sẻ các câu chuyện từ cá nhân, gia đình và cộng đồng để lan tỏa thông điệp về phòng chống tác hại của thuốc lá đặc biệt là các loại thuốc lá mới.
Không hạn chế các chủ đề, nhưng sẽ có ưu thế hơn, nếu tác giả tập trung vào một số chủ đề chính như sau:
Sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá trong quảng cáo, khuyến mại và bán các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá mới cho thanh thiếu niên.
Nêu rõ tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử), đặc biệt với trẻ vị thành viên và thanh thiếu niên nữ, cùng các nguy cơ gia tăng việc sử dụng sản phẩm này ở thanh thiếu niên Việt Nam.
Thúc đẩy các sáng kiến cộng đồng, hình thành và thúc đẩy phong trào bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi nguy cơ tác hại của thuốc lá, đặc biệt thuốc lá mới.
Thúc đẩy hình thành và triển khai mô hình lồng ghép PCTHTL với Phòng chống các yếu tố nguy cơ cao khác của nhóm bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng.
N. Huyền