Chạy bộ vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái
Giải chạy "Chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” diễn ra nhằm hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia vì Bình đẳng giới và Phòng ngừa, ứng phó với Bạo lực trên cơ sở giới 2022 do Trung tâm CSAGA tổ chức, với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính từ Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Chính phủ Úc.
Giải chạy đã thành công tốt đẹp và gây được tiếng vang lớn, đã có hàng trăm thông điệp tích cực được chia sẻ trên bức tường thông điệp lớn, những nụ cười, những cái đập tay về đích đầy hứng khởi cùng những phần trả lời mini games vô cùng sôi nổi đã diễn ra.
Tham dự sự kiện có Phó đại sứ Úc tại Việt Nam - ông Mark Tattersall, bà Pauline Tamesis - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cùng đại diện các cơ quan LHQ, Đại sứ quán, đại diện mạng GBVNet và đặc biệt là đông đảo người tham gia tới từ nhiều độ tuổi, ngành nghề khác nhau, trong đó có cả các em nhỏ.
Với những người tham gia giải chạy, có thể không phải là những chân chạy phong trào thường xuyên tập luyện, nhưng việc tham gia giải chạy này là một cơ hội tuyệt vời để rèn luyện sức bền cho bản thân. Quãng đường chạy không quá dài hay khó khăn về địa hình, giúp mọi người có thể hoàn thành chặng đường và đặt một dấu mốc mới trong hành trình tự rèn luyện của bản thân mình.
Bên cạnh đó, đối tượng tham gia của giải chạy không bị giới hạn, bởi vậy mà đây có thể là một cơ hội tuyệt vời để bạn mở rộng các kết nối xã hội và xây dựng thêm các mối quan hệ lành mạnh.
Điều quan trọng hơn cả là những người tham gia đã chung tay đóng góp cho hành trình hướng tới xóa bỏ bạo lực giới và thúc đẩy bình đẳng giới.
Với thông điệp khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới, việc tham gia giải chạy chính là một lời khẳng định mạnh mẽ cho tinh thần tích cực và trái tim rộng mở của các VĐV, góp phần quan trọng vào hành trình nỗ lực xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam.
“Những nụ cười, những cái đập tay, những bước chạy bứt phá trước vạch đích, những thông điệp ý nghĩa và cả những phần quà giá trị đã được trao đi,... chúng ta đã cùng nhau trải qua một ngày thật tuyệt vời tại Chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái 2022”, đại diện Ban tổ chức, Trung tâm CSAGA chia sẻ.
Đáng chú ý, tại sân khấu lớn của sự kiện, Ban tổ chức đã cho dựng một bức tường thông điệp, làm nơi chứa đựng những thông điệp được các runner gửi gắm.
Hàng trăm thông điệp tích cực về chủ đề tôn trọng và bảo vệ phụ nữ và trẻ em, nói không với bạo lực giới đã được chia sẻ trên bức tường thông điệp tại sự kiện.
Một số thông điệp đáng chú ý được các VĐV gửi gắm lên bức tường như: “Đừng ngồi yên chờ bình đẳng giới. Hãy hành động để nó được hiện thực hoá mỗi ngày”; “Nam + Nữ = cả bầu trời. Nam giới nói không với bạo lực với phụ nữ và trẻ em để cả bầu trời được trọn vẹn”; “Tôi là một nạn nhân của bạo lực gia đình “tinh thần”. Tôi ở đây để lên tiếng và chạy vì chính mình. Vì một Việt Nam không có bạo lực gia đình”....
BTC mong muốn nguồn năng lượng tích cực, những thông điệp ý nghĩa này sẽ không chỉ dừng lại ở sự kiện một giải chạy, mà sẽ còn được tiếp tục lan toả mỗi ngày trong cuộc sống.
Trước đó, ngày 25/11/2022, Trung tâm CSAGA, mạng GBVNet phối hợp với tổ chức Batik International, tổ chức Oxfam tại Việt Nam đã tổ chức tọa đàm "Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu cho người bị bạo lực giới tại cộng đồng trong và sau dịch bệnh Covid-19".
Toạ đàm tập trung vào đối tượng là những người bị bạo lực giới, nhằm thúc đẩy tiếng nói của họ và đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu. Thông qua phần trao đổi của các diễn giả - là đại diện của các công đoàn, hội phụ nữ, tổ chức phi chính phủ, người tham dự đã được biết thêm về các mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bị bạo lực giới ở các tỉnh Hải Dương, Sơn Tây, Hoà Bình, Hải Phòng.
Tại tọa đàm, các chuyên gia đánh giá cao cách tiếp cận của mô hình. Theo đó, mô hình đã nâng cao nhận thức và khuyến khích tính tự cường của phụ nữ, để họ tự bảo vệ mình và chủ động đi tìm sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Tuân Nguyễn