Cảnh đời phía sau cô gái trẻ lao vào tàu hỏa và nỗi day dứt của người cha
Chia sẻ với phóng viên Infonet, Ths. BSNT Đỗ Thùy Dung, Bác sĩ Phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, qua thực tế tại phòng khám tâm thần nhi cho thấy tỷ lệ bệnh nhân tuổi học đường đến khám đông với nhu cầu trị liệu rối loạn cảm xúc, tâm lý.
Điều này cho thấy tình trạng trầm cảm tuổi học đường đang ngày càng gia tăng, không ít trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, có ý định tự sát hoặc huỷ hoại cơ thể, đã tự sát.
“Với lứa tuổi học đường trị liệu tâm lý là chính. Khi các con được trị liệu tâm lý tốt thì các bạn ấy sẽ tiếp tục sinh hoạt học tập bình thường. Tuy nhiên trên thực tế nhiều gia đình còn chưa thực sự chú ý đến sức khoẻ tâm thần của con trẻ, do đó để lạ hậu quả nặng nề. Hoặc dù chưa có thống kê cụ thể nhưng thực tế ghi nhận tỷ lệ tái phát khá cao”, BS Dung cảnh báo.
Trường hợp bệnh nhân N. T là ví dụ điển hình. Sáng 12/10, người đàn ông ngoài 50 tuổi với gương mặt phúc hậu nhưng ánh mắt đượm buồn dắt tay cô con gái hơn 20 tuổi đến BV Tâm thần Ban ngày Mai Hương khám, lấy thuốc điều trị ngoại trú định kỳ.
Cảnh gà trống nuôi con từ nhiều năm trước, vốn ít nói nên ông cũng chỉ chăm chú kiếm tiền lo miếng cơm, manh áo, đưa đón con đi học mà ít khi tâm sự với con.
Ông nói, con bé dường như biết thân biết phận nên tỏ ra già trước tuổi, không bao giờ đòi hỏi bất cứ điều gì. Nó lặng lẽ đến trường, lặng lẽ trở về, tự ăn rồi lặng lẽ ngồi vào bàn học. Ông cũng không nhận được bất kỳ phàn nàn từ phía nhà trường về con. Vì thế ông cũng mặc nhiên con bình thường như bao đứa trẻ khác.
Hơn 10 năm trước, hàng xóm thất thanh gọi điện cho ông thông báo, con bé đang được đưa đi cấp cứu sau khi cố tình đâm vào tàu hoả. Lao vào viện, nhìn con hôn mê, băng trắng xoá người, một bên tay, chân dập nát, người đàn ông chết điếng.
Đằng đẵng hàng tháng trời nằm viện, con gái ông may mắn sống sót nhưng một bên chân, tay vĩnh viễn không còn. Rồi, ông tiếp tục đón tin dữ lần nữa - con gái ông bị tâm thần phân liệt nặng.
“Các bác sĩ nói do cháu bị trầm cảm quá lâu mà không được can thiệp kịp thời. Và việc cháu lao vào tàu hoả tự sát là kết quả của chuỗi ngày dài con sống trong buồn chán, bế tắc không lối thoát mà không biết tâm sự với ai”, người đàn ông nhắc về những ngày tháng khốn khó ấy đầy dằn vặt.
Vậy là ông xin nghỉ việc, về nhà vừa bán nước chè đầu ngõ vừa trông chừng cô con gái tâm thần.
“Tôi còn sống ngày nào, còn chăm cho con đến cùng, tôi đã có lỗi với con. Cả tuổi thơ con thiếu đi sự quan tâm của người làm cha như tôi. Ngày ấy giá mà tôi để mắt đến con hơn”, người đàn ông giọng nghẹn lại.
Dừng chút, ông cho biết hiện giờ, tình trạng con gái ông cũng đã cải thiện sau 1 thập kỷ chữa chạy. N. T cũng đã hoà nhập với cộng đồng, hàng ngày biết ngồi trông hàng giúp bố.
Ths.BSNT Lê Công Thiện, Trưởng khoa M4 - Viện Sức khoẻ Tâm thần quốc gia (BV Bạch Mai) cho biết tuổi học đường là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý nên rất nhạy cảm với những tác động xung quanh. Trẻ em ở độ tuổi này có khả năng nhận thức được các tác nhân gây căng thẳng (xung đột gia đình, chỉ trích, không đạt thành tích trong học tập...) và thể hiện lòng tự trọng thấp, mặc cảm quá mức nên dễ dẫn đến trầm cảm.
Theo bác sĩ, trầm cảm ở tuổi học đường ảnh hưởng đến sự tăng cân và phát triển cơ thể, kết quả học tập ở trường và các mối quan hệ với bạn bè, gia đình. Rối loạn trầm cảm chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hành vi tự sát ở trẻ em.
Trầm cảm ở tuổi học đường do nhiều nguyên nhân như di truyền, thay đổi hooc môn, áp lực cuộc sống, gia đình, xã hội, sự thay đổi tâm sinh lý của trẻ theo tuổi, ám ảnh bởi những đau thương thời thơ ấu, lối sống không lành mạnh...
“Trầm cảm ở trẻ em thường thể hiện qua triệu chứng cơ thể như mệt mỏi, giảm tập trung trong học tập hoặc xuất hiện triệu chứng nặng như hoang tưởng, ảo giác... Đáng chú ý, mỗi độ tuổi lại có những biểu hiện khác nhau. Ví dụ trẻ 6-10 tuổi hay khóc lóc, cãi lời, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ...
Trong khi đó, trẻ 11- 19 tuổi thường lo âu, chán ghét mọi việc, thiếu tự tin, có hành vi tiêu cực, thâm chí là tự sát. Khi thấy trẻ có những biểu hiện trên kéo dài quá 2 tuần, phụ huynh cần đưa con đến đi khám chuyên gia tâm lý, tâm thần’ BS Thiện khuyến cáo.
N. Huyền