5 năm du học về bố mẹ cho học nghề làm thợ, mong con thành người bình thường
Đó là tình cảnh của một bệnh nhân được TS. BS Trần Thị Hồng Thu, PGĐ Bệnh viện tâm thần Ban ngày Mai Hương từng điều trị thành công. Học hết lớp 8, Long (tên nhân vật đã được thay đổi) sang Singapore học tiếp lớp 9, 10, 11, 12 với mức học bổng toàn phần.
Sống xa gia đình, nhưng chỉ đến khi vào đại học năm đầu tiên, Long mới có bạn gái. Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang khi mới yêu 3 tháng, bạn gái Long thú nhận 'có bầu' với người khác khiến Long hoá dại.
Long không còn thiết tha bất cứ điều gì, kết quả học tập giảm sút. Hơn hai tháng trước khi bố mẹ quyết định đưa con về nước, Long ngắt kết nối với gia đình. Mọi thông tin về con, bố mẹ Long đều phải thông qua bạn ở cùng phòng.
Một tối cậu bạn cùng phòng hốt hoảng gọi cho bố mẹ Long thông báo “bạn ấy rất có vấn đề” khi đi hai ngày chưa thấy về phòng, thường xuyên nghỉ học, hay ngồi thẫn thờ một mình.
“Gia đình buộc phải sang đón con về chữa trị. Rất may, con được điều trị sớm nên sau một thời gian tâm lý cũng ổn định. Sợ mất con thêm lần nữa, gia đình quyết định không cho con đi nước ngoài nữa”, TS. BS Hồng Thu kể.
Vấn đề tiếp tục phát sinh, các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trong nước không công nhận kết quả con học ở Singapore. Chẳng còn cách nào khác, bố mẹ Long xin cho cậu học nghề chỉ với mong muốn con trở thành người bình thường, khoẻ mạnh.
“Bệnh nhân được phát hiện điều trị sớm nên đã trở lại bình thường. Bạn chấp nhận đi học lại, dù ban đầu cũng có đôi chút khó khăn khi tái hoà nhập”, TS. BS Hồng Thu kể lại.
TS. BS Hồng Thu cảnh báo, trầm cảm là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tật và khuyết tật ở thanh thiếu niên. Tự tử cũng là 1 trong 3 nguyên nhân tử vong hàng đầu ở thanh thiếu niên lớn tuổi (15–19 tuổi). Với xu hướng trẻ hoá, ngày càng nhiều các bạn trẻ mắc bệnh trầm cảm và biểu hiện ngày càng cực đoan.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng gia tăng trầm cầm ở giới trẻ như di truyền, sang chấn tâm lý, áp lực từ gia đình và xã hội. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do giới trẻ ngày nay phải đối mặt với áp lực từ gia đình, nhà trường, họ phải cố gồng mình cho phù hợp với những tiêu chuẩn mà xã hội áp đặt.
Tại Việt Nam, ước khoảng 30% dân số từng có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Mỗi năm, đất nước ta có khoảng 35.000 đến 40.000 người tự sát do trầm cảm, gấp 2 đến 3 lần số lượng người thương vong do tai nạn giao thông.
“Không phân biệt tuổi tác, giới tính, chủng tộc hay khả năng tài chính, một cô bé học sinh cấp 3, hàng ngày vẫn cắp sách đến trường cũng có thể bị trầm cảm giống như một người đàn ông thành đạt, với số dư trong tài khoản lên đến 10 con số.
Không phân biệt nghề nghiệp, trình độ văn hóa hay khả năng sáng tạo, một người phụ nữ làm công việc bán thời gian tại siêu thị cũng có thể bị trầm cảm giống như một ca sĩ nổi tiếng, được nhiều người mến mộ”, TS. BS Hồng Thu nhấn mạnh.
Điều đáng ngại là, thanh thiếu niên mắc bệnh tâm thần thường sợ nói ra vì sợ bị đánh giá, kỳ thị và bị xa lánh. Vì thế nhiều thanh thiếu niên cố gắng tự tử nhằm thoát khỏi các triệu chứng bệnh tâm thần.
“Tổ chức Y tế thế giới từng cảnh báo một nửa của tất cả các rối loạn sức khỏe tâm thần ở tuổi trưởng thành bắt đầu vào tuổi 14, nhưng hầu hết các trường hợp không được phát hiện và không được điều trị”, TS. BS Hồng Thu dẫn chứng.
Bà cho rằng, phụ huynh cần hiểu, biết cách nói về sức khỏe tâm thần với con để giúp thanh thiếu niên cảm thấy thoải mái và chấm dứt sự kỳ thị trước khi bệnh bắt đầu xuất hiện. Bởi trên thực tế có rất nhiều trường hợp khi đến viện thì đã bị trầm cảm nặng, thậm chí có trường hợp chuyển sang giai đoạn tâm thần phân liệt.
“Nhiều bố mẹ quá bận rộn, hoặc hiểu biết không đầy đủ về sức khoẻ tâm thần, luôn phủ nhận các hiện tượng tâm lý của con mình, cho rằng tính nết của con như vậy là bình thường. Thậm chí các bố mẹ muốn tự giải quyết vấn đề, ép con phải thế này phải thế kia. Vô tình tăng thêm áp lực cho các con.
Một sai lầm phổ biến nữa là khi con và bố mẹ không thấu hiểu lẫn nhau dẫn tới xung đột nặng nề, những đứa con mắc rối loạn trầm cảm tha thiết đề nghị bố mẹ cho đi du học hoặc xin ra ở riêng một mình, để thoát khỏi những áp đặt vô lý của gia đình.
Cứ thế, các cô cậu thanh niên sa vào vòng xoắn phức tạp, tới một lúc nào đó bệnh có thể sẽ nặng lên, học hành sa sút phải bỏ học giữa chừng, ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai sự nghiệp. Nhiều trẻ rơi vào cảnh nghiện ngập, thậm chí tự tử cũng chỉ vì không được phát hiện và điều trị kịp thời”, TS. BS Hồng Thu nhấn mạnh.
N. Huyền