'Trả giá' từ thói quen liên tục trong 40 năm
Sau 2 tháng ho nhiều, nam bệnh nhân đi khám thì bất ngờ phát hiện bệnh lý có nguy cơ tử vong hàng đầu ở nam giới, đây là sự “trả giá” sau 40 năm chủ quan liên tục hút thuốc lá.
Hút thuốc 40 năm
Khoảng 2 tháng gần đây, ông (L.V.L., 59 tuổi, quê ở Hà Giang) xuất hiện ho nhiều, ho có đờm đặc kèm theo đau ngực. Ông L., đã đến một bệnh viện tại Hà Nội khám và kết quả được chuẩn đoán u phổi phải.
Trước đó qua khai thác tiền sử, bệnh nhân có tới hơn 40 năm sử dụng thuốc lá liên tục. Sau khi sinh thiết u phổi, kết quả mô bệnh học là ung thư biểu mô vảy xâm nhập.
Việc chẩn đoán sớm bản chất khối u đã giúp bệnh nhân được chẩn đoán chính xác giai đoạn bệnh, để từ đó bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị kịp thời, giúp kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
ThS.BS Đào Danh Vĩnh - BV Medlatec cho biết trường hợp của bệnh nhân L.V.L., chỉ là một trong số rất nhiều ca mắc ung thư phổi phát hiện do hút thuốc lá.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nam giới và là nguyên nhân thứ hai gây tử vong do ung thư ở phụ nữ (chỉ sau ung thư vú).
Mỗi năm có hơn 20.000 người mắc, trong đó có đến 17.000 người đã tử vong, 56 người mắc mới mỗi ngày. Đáng báo động hơn là tình hình mắc bệnh nay có xu hướng ngày càng tăng.
BS Vĩnh cho biết bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc căn bệnh quái ác này, tuy nhiên, những đối tượng sau sẽ có nguy cơ mắc cao hơn:
Người hút thuốc lá (chủ động và thụ động): Theo thống kê, có đến hơn 80% các trường hợp ung thư phổi có liên quan đến khói thuốc lá. Trong thuốc lá có đến hơn 2000 chất độc hại dẫn đến sự tăng sinh bất thường của tế bào. Không chỉ thuốc lá mà hút thuốc lào cũng khiến nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn.
Người sống trong môi trường ô nhiễm không khí: Thực tế, trong không khí có rất nhiều tác nhân có thể gây ung thư phổi, như bụi mịn và các khí độc CO, NOx,... Chất lượng không khí xấu, cơ quan chịu ảnh hưởng đầu tiên chính là lá phổi.
Người làm việc trong môi tường ô nhiễm: Những ngành nghề trực tiếp tiếp xúc với hóa chất thường xuyên như thợ sơn, công nhân sản xuất pin, linh kiện điện tử,...
Thạc sĩ Vĩnh sinh thiết u phổi cho bệnh nhân L. |
Người có tiền sử bệnh ung thư khác: Cần sàng lọc loại trừ di căn phổi; người có người thân trong gia đình mắc ung thư phổi; những người từ độ tuổi 40 đến 75 tuổi có tỷ lệ mắc ung thư phổi cao.
Cảnh báo biểu hiện của ung thư phổi
Theo BS Vĩnh, bệnh có tỷ lệ tử vong cao, tuy nhiên, nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời thì có thể kéo dài thời gian sống, thậm chí chữa khỏi.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh ung thư phổi diễn biến thầm lặng, bệnh nhân cần đi thăm khám để được tư vấn chuyên sâu tại các cơ sở y tế chuyên khoa, nếu xuất hiện các triệu chứng sau:
Ho kéo dài trên 2 tuần
Ho ra máu, máu lẫn đờm, máu thường sẫm màu. Đây là yếu tố tiên lượng xấu, nên khi xuất hiện những triệu chứng trên, bệnh nhân nên đi khám ngay.
Đau ngực: Thường lúc đầu đau liên quan vận động, sau đau liên tục, uống thuốc giảm đau không thuyên giảm.
Khó thở: Cảm giác hụt hơi, lúc đầu khó thở khi vận động mạnh, lên cầu thang, về sau khó thở liên tục.
Mệt mỏi, sút cân: Bệnh nhân thường chán ăn, ăn kém, người mệt và sụt cân nhanh.
Thần kinh: Đau đầu, yếu liệt hay tê chân tay khi khối u di căn tới não.
Các dấu hiệu khác như sưng đau các khớp nhỡ và nhỏ, sạm da, móng tay và móng chân khum, ngón dùi trống, thay đổi tâm tính, hay lo lắng, nóng giận, trầm cảm.
Ngoài ra, để phòng và phát hiện bệnh kịp thời, các chuyên gia và bác sĩ khuyến cáo người dân: Không hút thuốc lá, tránh ô nhiễm môi trường; Tăng cường chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể thao; Đặc biệt, người dân nên hình thành thói quen khám sức khỏe định kỳ 6 tháng đến 1 năm một lần. Những người từ 55-75 tuổi, có tiền sử hút thuốc nhiều năm, hoặc khi có bất kỳ những triệu chứng bất thường thì đều nên đến bệnh viện để được thăm khám.
K.Chi